Chính trị - Xã hội

Sinh viên báo chí thời công nghệ số

16:09, 20/06/2023 (GMT+7)

Với nhiều sinh viên ngành báo chí, năm 3, năm 4 là thời điểm “vàng” để tiếp cận với môi trường báo chí chuyên nghiệp. Thời đại công nghệ số, sinh viên báo chí khi kiến tập, thực tập không chỉ chuẩn bị kiến thức mà còn trang bị kỹ năng tác nghiệp đa phương tiện.

Áp lực “đa năng”

“Em như choáng khi thấy các anh chị vừa quay phim, vừa chụp ảnh, phỏng vấn, ghi âm, nhưng cũng phải nắm đầy đủ nội dung chính của sự kiện”. Đó là những cảm nhận của Phan Thanh Nguyên (sinh viên ngành Báo chí, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) trong lần đầu tác nghiệp cùng các anh chị hướng dẫn. Trước khi đến với kỳ kiến tập ở Văn phòng đại diện Báo Lao Động miền Trung - Tây Nguyên tại Đà Nẵng, Nguyên không giấu được sự háo hức, mong chờ. Bản thân chàng sinh viên năm 3 cũng chuẩn bị hành trang mà em nghĩ là cần thiết để tiếp cận với công việc làm báo chuyên nghiệp như: máy ảnh, máy tính,...

Tuy nhiên, những lần tác nghiệp thực tế đã vượt ngoài tưởng tượng cậu sinh viên năm 3 về áp lực của nghề báo. Có lần, Nguyên được giao thực hiện về hoạt động khai trương mùa du lịch của Đà Nẵng với yêu cầu tin có chùm ảnh và video đi kèm.

Trước đó, dù nhiều lần theo chân các anh chị, nhưng khi bản thân tác nghiệp độc lập khiến Nguyên không khỏi bối rối. Nhiều khoảnh khắc không thể vừa chụp vừa quay phim. Hơn nữa, khi chưa quen với góc máy, các khung hình bị lỗi, rung lắc, nhòe,… Kết quả, nội dung thực hiện cho video, Nguyên thiếu phỏng vấn nhân vật.

Lần khác, trong dịp tác nghiệp cùng các anh, chị phóng viên tại buổi tiếp xúc cử tri giữa Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố với công nhân, người lao động, vì mải mê chụp hình cử tri, quay phim các cử tri phát biểu ý kiến, Nguyên quên ghi chú thông tin về tên tuổi của cử tri mà mình đã ghi hình và nội dung chính.

Dù chỉ được giao như một bài tập để các anh, chị phóng viên góp ý chỉnh sửa nhưng với lượng thông tin “khổng lồ” của buổi tiếp xúc, Nguyên đã rất vất vả và mất nhiều thời gian để sắp xếp, chắc lọc nội dung video và hình ảnh phù hợp. “Biết em còn thiếu sót nên các anh, chị động viên và hỗ trợ để hoàn thiện tin bài theo yêu cầu. Nội dung tin em chưa viết đúng trọng tâm lại còn quên phỏng vấn, ghi chú hình ảnh,... Đó là những trải nghiệm đáng nhớ trong lần tác nghiệp đa phương tiện và cũng bài học cho chính bản thân em”, Nguyên tâm sự.

Lê Thị Khánh Ly trong kỳ kiến tập tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (QPVN) ở Hà Nội.  Ảnh: Nhân vật  cung cấp
Lê Thị Khánh Ly trong kỳ kiến tập tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (QPVN) ở Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lê Thị Khánh Ly (sinh viên ngành Báo chí, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) có những trải nghiệm quý giá trong kỳ kiến tập tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (QPVN) tại Hà Nội. Mặc dù đã học lý thuyết về viết nội dung truyền hình sẽ khác với báo giấy và điện tử, nhưng Ly vẫn gặp nhiều khó khăn cho thời gian đầu kiến tập. Với môi trường làm việc chuyên nghiệp và tác phong quân đội, Ly không chỉ rèn cho mình những kỹ năng thao tác công việc mà còn phải chỉn chu trong giao tiếp, ăn mặc.

“Môi trường truyền hình với nhiều máy móc hiện đại, các trường quay, phòng dựng… đòi hỏi sinh viên kiến tập phải quan sát và học hỏi rất nhiều. Bản thân em rất lo lắng mình sẽ không tiếp thu và theo kịp nội dung anh, chị phóng viên truyền đạt. Trong thực tế thao tác trên máy móc, các anh, chị có những cách làm khác vừa nhanh hơn, gọn hơn và rút ngắn thời gian so với thao tác bọn em được học trong nhà trường. Đó là kinh nghiệm được những người đi trước đúc kết trong quá trình làm nghề và chia sẻ cho chúng em”, Ly chia sẻ.

Động lực để theo đuổi

Kết thúc kiến tập, cả Nguyên và Ly đều cảm nhận áp lực, khó khăn mà phóng viên gặp phải, đặc biệt là trong tác nghiệp đa phương tiện. Tuy nhiên, cả hai sinh viên đều xem những áp lực và khó khăn đó là động lực để theo đuổi đam mê đối với công việc này. Theo Nguyên: “Dù sự va chạm là chưa đủ nhiều như một nhà báo thực thụ nhưng đủ khiến cho em cảm thấy yêu mến nghề báo. Em đã lên kế hoạch hoàn tất việc học báo chí để có đủ những kiến thức cần thiết. Tác nghiệp đa phương tiện, em cảm thấy mình cần phải trải nghiệm, quan sát, nắn nót hơn trong từng khung hình và thậm chí là thất bại nhiều hơn, thấm thía được cái hay, cái thú vị cũng như cái khó, cái vất vả của nghề để học và trưởng thành từ đó”.

Với Ly, ở thời điểm hiện tại, lợi thế lớn nhất mà em có là khả năng tiếp cận các đổi mới của công nghệ nhanh chóng và linh hoạt hơn. Vì vậy, Ly luôn nhắc nhở bản thân phải học hỏi và không ngừng nỗ lực để theo đuổi nghề. “May mắn là có những người anh chị đi trước luôn nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm. Ở mỗi thời kỳ làm báo đều có những yêu cầu cần phóng viên phải thích ứng, thay đổi để phù hợp. Bản thân em vẫn còn trẻ và con đường theo đuổi đam mê với nghề vẫn còn rất dài nên em sẽ học tập không ngừng, để hoàn thiện mình hơn”, Ly tâm sự.

Cuộc "chạy nước rút" của làn sóng công nghệ số là phương tiện để độc giả có những yêu cầu ngày càng cao hơn trong tiếp cận thông tin. Giờ đây, một bài viết đã được tích hợp “đọc, nghe, xem”; qua đó, giúp độc giả thực sự được “sống” cùng với sự kiện mà bài báo thể hiện”.

Điều này đã đặt ra những áp lực lớn đối với mỗi phóng viên trong tác nghiệp đa phương tiện. Với các sinh viên muốn theo đuổi nghề báo, những lần tác nghiệp trong kỳ kiến tập giúp tích lũy nhiều bài học kinh nghiệm quý. Với sự nỗ lực, trau dồi kiến thức, kỹ năng, đa năng trong tác nghiệp và tinh thần học hỏi không ngừng, chắc chắn các em sẽ tìm được con đường để nuôi dưỡng đam mê báo chí sau này.

XUÂN HẬU

.