Chính trị - Xã hội
Chăm lo chu đáo cho người có công
Trong những năm qua, thành phố thực hiện nhiều chính sách đột phá để chăm lo cho người có công với cách mạng. Các hoạt động được triển khai đồng bộ, thường xuyên từ các cấp cơ sở, địa phương trên tinh thần thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Thành Đoàn đến thăm, động viên và tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Liễu (SN 1927, trú phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn). Ảnh: N.Q |
Ngay từ đầu năm 2023, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tập trung giải quyết đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách người có công theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021 của Chính phủ; chú trọng giải quyết kịp thời các chế độ ưu đãi mới đối với người có công với cách mạng.
Hiện nay, thành phố có hơn 17.500 lượt đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên, kinh phí chi trả hằng tháng trên 28,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch khảo sát thông tin người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn thành phố.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, sở phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trao quà của Chủ tịch nước và thành phố cho trên 66.000 lượt đối tượng chính sách với tổng kinh phí hơn 31,6 tỷ đồng; thành phố hỗ trợ thêm quà Tết 500.000 đồng/đối tượng người có công theo Nghị quyết 275/2019/NQ-HĐND với số lượng 41.000 người, kinh phí hơn 20 tỷ đồng.
Ngoài ra, lãnh đạo thành phố đi thăm, chúc Tết và tặng quà các đơn vị, địa phương, gia đình người có công tiêu biểu và gặp mặt các tổ chức tôn giáo; phục vụ chu đáo lễ viếng, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố, Đài tưởng niệm liệt sĩ Hòa Vang, Nghĩa trang Quân khu 5, Nghĩa trủng Phước Ninh và Nghĩa trủng Hòa Vang nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Nhằm không ngừng nâng cao đời sống cho người có công, năm 2022, thành phố đã nâng mức hỗ trợ tiền ăn hằng tháng cho người có công từ 1,5 triệu đồng/người/tháng lên 2,1 triệu đồng/người/tháng và tạo mọi điều kiện chăm sóc tốt hơn cho người có công. Không những là phương diện sức khỏe thể chất mà sức khỏe tinh thần cũng được thành phố hết sức quan tâm bằng nhiều hình thức khác nhau.
Về chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp nhu cầu sửa chữa, xây mới nhà ở đối với người có công cách mạng năm 2023 là 570 nhà, trong đó sửa chữa 442 nhà, xây mới 128 nhà, báo cáo Sở Tài chính trình UBND thành phố bố trí kinh phí thực hiện.
Không những vậy, đối với công tác hỗ trợ cải thiện nhà ở, thành phố thực hiện miễn giảm tiền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Trung ương và chính sách đặc thù của Đà Nẵng, đặc biệt chú trọng ưu tiên giải quyết sớm nhằm giúp người có công yên tâm sinh sống.
Trong năm 2022, thành phố hoàn thành kế hoạch hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho người có công với số lượng 732 nhà, tổng kinh phí hỗ trợ 26,85 tỷ đồng; hỗ trợ tiền sử dụng đất theo Nghị quyết của HĐND thành phố cho 10 trường hợp với số tiền 340 triệu đồng…
Cán bộ Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng chăm lo từng bữa ăn cho các cụ. Ảnh: Đ.B |
Không chỉ chăm lo đời sống vật chất, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có quyết định về việc điều dưỡng đối với người có công và thân nhân liệt sĩ năm 2023 của 7 quận, huyện với số lượng 6.071 người, kinh phí gần 10,6 tỷ đồng. Đồng thời, đăng ký điều dưỡng tập trung tại Trung tâm điều dưỡng người có công miền Trung và các Trung tâm điều dưỡng: Quảng Bình, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Định, với số lượng 1.037 người.
Bà Trương Thị Như Hoa, Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, công tác chăm sóc người có công thời gian qua có sự biến chuyển sâu sắc trong nhận thức, hành động, trên tinh thần thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19-7-2017 của Ban Bí thư khóa XII về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”.
Theo đó, năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp ủy Đảng, các ngành, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác người có công với cách mạng được nâng cao; hồ sơ tồn đọng được rà soát và hồ sơ mới được giải quyết kịp thời để công nhận người có công với cách mạng. Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư; công tác tìm kiếm, quy tập và lấy mẫu sinh phẩm xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực; đẩy mạnh đầu tư ngân sách Nhà nước cùng với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công với cách mạng.
“Trong thời gian sắp đến, thành phố tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ nhằm nâng cao đời sống cho gia đình và người có công cách mạng. Lấy ý kiến góp ý và thẩm định của các ngành liên quan hoàn chỉnh nội dung sửa đổi một số nghị quyết liên quan đến chính sách đối với người có công, phù hợp với nhu cầu thực tế của người có công và tình hình phát triển kinh tế, xã hội hiện nay theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai tổ chức các hoạt động tri ân thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, công tác phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc sức khỏe thương binh, bệnh binh nặng; chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở; huy động quỹ đền ơn đáp nghĩa…”, bà Hoa cho biết.
ĐẠI BÌNH