Chính trị - Xã hội

Khẩn trương sửa chữa các điểm sạt lở các tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà

06:26, 19/07/2023 (GMT+7)

Đợt mưa lớn ngày 14-10-2022 khiến nhiều đoạn đường lên bán đảo Sơn Trà sạt lở nghiêm trọng. Không chỉ đất đá lăn xuống chắn đường, nhiều đoạn đường bị nước chảy xiết cuốn trôi một phần mặt đường hoặc tạo hàm ếch gây nguy hiểm cho người, phương tiện qua lại. Đến nay, sau thời gian dài nỗ lực khắc phục, nhưng vẫn còn nhiều điểm bị sạt lở nặng. UBND thành phố yêu cầu các lực lượng chức năng của thành phố khẩn trương thực hiện việc sửa chữa những điểm còn lại trước mùa mưa bão năm 2023.

Cuối tháng 6, Văn phòng UBND thành phố thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam về việc liên quan đến phương án khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 2 đường lên đỉnh Sơn Trà. Trước mắt cho phép triển khai sửa chữa 6 vị trí sạt lở (2, 5, 15, 16, 19, 23) để tránh tình trạng đất đá tiếp tục tràn xuống mặt đường khi mùa mưa đến, nhằm bảo đảm an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông qua khu vực này.

Trước đó, đợt mưa lớn ngày 14-10-2022 đã gây sạt lở nghiêm trọng các tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà. Cụ thể, đường Hoàng Sa sạt lở cống ngang, làm sạt toàn bộ nền mặt đường, tắc đường tại kênh thoát nước nút giao đường Trần Nguyên Hãn; một số tuyến đường khu vực bị sạt lở 19 điểm taluy dương, 6 điểm taluy âm làm tắc đường với tổng khối lượng khoảng 27.780m3.

Bên cạnh đó, đường lên Trạm phát sóng đài DRT trên núi Sơn Trà sạt lở taluy, rãnh dọc nhiều vị trí, đất đá, cây đổ ra đường, tắc đường với tổng cộng 17 điểm sạt lở taluy dương, taluy âm với tổng khối lượng khoảng 18.000m3...

Theo ông Võ Thành Được, Tổng Giám đốc Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng, ngay sau khi xảy ra sạt lở, công ty đã huy động phương tiện, nhân lực san gạt các vị trí bị đất đá chèn lấp để tạm thời thông tuyến. Với các vị trí sạt lở nặng làm mất chân đường, hở hàm ếch, nhân lực và phương tiện được huy động đổ đất, rọ đá kè các vị trí sạt lở và làm lại mặt đường, bước đầu bảo đảm giao thông bước 1. Tuy nhiên, một số tuyến đường vẫn chưa được phép lưu thông do chưa khắc phục sự cố sạt lở đất.

Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch thành phố cho biết, hiện còn 3 tuyến đường du khách chưa được phép tham quan trên bán đảo Sơn Trà, do chưa khắc phục xong; tuyến đỉnh Bàn Cờ đến Bãi Bắc, tuyến Tiên Sa và tuyến Bãi Bắc - Cây Đa đang được sửa chữa. Người dân chỉ được phép tham quan các tuyến đường Yết Kiêu đến đỉnh Bàn Cờ, tuyến từ ngã ba Lê Văn Lương đến đến ngã ba Bãi Bắc, tuyến đường nhánh Suối Đá.

Theo Sở GTVT, tuyến đường lên đỉnh Sơn Trà có bề rộng mặt đường 7,5m, sau đợt mưa cuối năm 2022 xuất hiện nhiều vị trí sụt lở đất, xói sụt, đá lăn làm cản trở, mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Qua kiểm tra, hiện trạng các vị trí đã xử lý được chia làm các nhóm hư hỏng như xói lở mái taluy, sụt lở taluy đường ngang, sụt lở tầng phủ, taluy cao và dốc lớn, taluy lộ đá phong nứt nẻ. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của cơn mưa lịch sử ngày 14-10-2022 cùng với địa hình mái ta luy dương có độ dốc lớn, lớp đá hiện trạng phía taluy dương bị phong hóa nặng làm xuất hiện một số dòng chảy gây xói, trượt mái ta luy, đá lăn xuống đường làm hư hỏng công trình và gây mất an toàn đối với các phương tiện lưu thông trên bán đảo Sơn Trà.

Về giải pháp xử lý, UBND thành phố giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) nghiên cứu giải pháp kỹ thuật để bảo đảm sau khi sửa chữa bảo đảm ổn định, không bị sạt lở. Đối với 13 điểm sạt lở taluy dương nhỏ, taluy cơ bản đã ổn định, ít có nguy cơ sạt lở đất giữ nguyên hiện trạng, Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, kịp thời đề xuất xử lý khi có phát sinh hư hỏng công trình.

Đối với các vị trí sạt lở còn lại, Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư công trình xử lý khắc phục sạt lở trên đường lên đỉnh Sơn Trà, đề xuất nguồn vốn thực hiện, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.

Được biết, các ngành chức năng của thành phố đưa ra phương án xử lý là xây dựng tường chắn bê-tông cao từ 1,5m - 3m, mái taluy gia cố bằng bê-tông, xếp rọ đá KT (2x1x0,5) cấu tạo cao 1,5m so với mép rãnh hạn chế đất đá chảy, đổ ra đường. Thời gian thi công trong 2 năm 2023-2024 với kinh phí 4,9 tỷ đồng. Trước đó, Sở GTVT đã đề xuất phương án phun bê-tông hoặc trồng các loại cây có khả năng giữ đất, đá tốt... cho các tuyến đường.

THÀNH LÂN

.