Chính trị - Xã hội

Nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong công tác dân vận

14:54, 14/07/2023 (GMT+7)

ĐNO - Ngày 14-7, phát biểu kết luận hội nghị toàn quốc sơ kết công tác dân vận 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài đề nghị ngành dân vận các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, điển hình và đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo".

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng và các  Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phới và Bùi Tuấn Quang đồng chủ trì hội nghị.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: NGỌC PHÚ
Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: NGỌC PHÚ

Công  tác dân vận góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội

Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh, ngay từ đầu năm 2023, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ để thực hiện mục tiêu phát triển, đất nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả trong và ngoài nước...

Trước bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự quản lý, điều hành năng động, quyết liệt của Chính phủ, Quốc hội, kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng.

Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; an sinh xã hội được quan tâm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Trong kết quả phát triển chung của đất nước, có sự đóng góp không nhỏ của công tác dân vận của cả hệ thống chính trị...

Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được cấp ủy các địa phương quan tâm chỉ đạo, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp phát động và thực hiện có hiệu quả; nhiều mô hình hay đã được nhân rộng, lan tỏa tốt trong xã hội. Đến nay, cả nước có 139.062 mô hình “Dân vận khéo” đăng ký, trong đó số mô hình được công nhận là 36.181 tập thể, 16.187 cá nhân.

“Với các kết quả đã đạt được, có thể khẳng định công tác dân vận của hệ thống chính trị tiếp tục có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.

Nắm thông tin, xử lý tình hình phức tạp ngày từ cơ sở

Chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại trong công tác dân vận thời gian qua, Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị từ nay đến cuối năm, Ban Dân vận các tỉnh ủy, thành ủy kịp thời tham mưu cho cấp ủy sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương.

Quá trình tổng kết, cần quan tâm đánh giá thực chất những kết quả đạt được, nhất là những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập để kiến nghị giải pháp khả thi, phù hợp.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của các Ban chỉ đạo về công tác dân vận, công tác tôn giáo. Trong phối hợp thực hiện công tác dân vận của hệ thống chính trị, tiếp tục làm tốt các chương trình phối hợp công tác, phát huy hiệu quả cơ chế phối hợp, nắm thông tin và xử lý tình hình phức tạp nảy sinh ngay từ cơ sở.

Trong công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào theo tôn giáo, Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị ngoài việc tăng cường phối hợp công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách dân tộc, các chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc; cần đặc biệt chú trọng công tác vận động, tuyên truyền và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Các đồng chí chủ trì hội nghị. Ảnh: NGỌC PHÚ
Các đồng chí chủ trì hội nghị. Ảnh: NGỌC PHÚ

Song song đó, tích cực tham mưu cấp ủy chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, nắm chắc tình hình đời sống nhân dân, đặc biệt là quan tâm ở những địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận cần được nâng cao, nhất là bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về công tác dân vận cho cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận các cấp, đặc biệt là kinh nghiệm xử lý tình huống công tác dân tộc, tôn giáo ở cơ sở; làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, điển hình và đẩy mạnh việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” theo hướng thiết thực hơn nữa gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư.

Theo Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, năm 2023 là năm đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện và đề ra những giải pháp quan trọng cho những năm tiếp theo để bảo đảm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và nghị quyết đại hội Đảng các cấp.

Trong 6 tháng cuối năm, ngành dân vận phải nỗ lực với quyết tâm chính trị cao để hoàn thành và hoàn thành tốt kế hoạch nhiệm vụ được giao, trong đó kết quả công tác dân vận chính là thước đo sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể, sức mạnh của nhân dân; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, thực  hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đại hội Đảng các cấp đã đề ra.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành Trung ương, ban dân vận các địa phương đã báo cáo tham luận nhấn mạnh những kết quả đạt được trong công tác dân vận 6 tháng đầu năm, chỉ rõ nguyên nhân, hạn chế, qua đó đề ra các giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm.

NGỌC PHÚ - XUÂN HẬU


 

.