Chính trị - Xã hội
Tăng cường sự đồng thuận để phát triển kinh tế - xã hội
Công tác phản biện xã hội của Mặt trận các cấp thành phố ngày càng đi vào chiều sâu, bảo đảm theo quy định, ngày càng thể hiện tính độc lập, khách quan trong phản biện. Với nhiều ý kiến phản biện chất lượng, sát thực tiễn, mang tính chuyên môn cao, Mặt trận đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm (giữa) chủ trì hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 trên địa bàn thành phố. Ảnh: N.QUANG |
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm cho biết, qua 5 năm (2018-2022) thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTUMTTQVN giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về Quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, Mặt trận các cấp thành phố đã tổ chức 230 cuộc phản biện xã hội đối với các dự thảo đồ án, văn bản có liên quan trực tiếp đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân từ các chủ trương, chính sách của thành phố, địa phương về các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn; về các đề án như giảm nghèo, môi trường, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử...
Theo bà Thắm, Nghị quyết liên tịch số 403 có 3 hình thức phản biện xã hội, đó là góp ý gửi văn bản dự thảo, tổ chức hội nghị hoặc đối thoại trực tiếp với cơ quan soạn thảo… Trong đó, hình thức được Mặt trận các cấp thành phố lựa chọn nhiều nhất là tổ chức hội nghị (124 cuộc), song việc đối thoại trực tiếp với các cơ quan tham mưu dự thảo khi phản biện sẽ chuyên sâu, sát thực hơn. Các nội dung phản biện ngày càng bảo đảm sự chặt chẽ, có sự chuẩn bị kỹ về nội dung, chất lượng.
“Điển hình như hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đồ án quy hoạch ven sông Hàn tổ chức vào năm 2022, hay phản biện dự thảo hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023. Qua đó, Mặt trận thành phố đã tổ chức đi thực địa, tổng hợp hơn 60 ý kiến góp ý của cơ quan, đơn vị, cá nhân, các hội đồng tư vấn của Mặt trận thành phố đối với dự thảo để gửi UBND thành phố, Sở Tài chính, Sở Xây dựng. Ngoài ra, Mặt trận các quận, huyện tổ chức nhiều hội nghị phản biện chất lượng, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho chính quyền địa phương tham vấn, điều chỉnh phù hợp trong việc triển khai nhiều đề án, dự án dân sinh, chương trình phát triển kinh tế - xã hội”, bà Thắm nói.
Nói về hiệu quả của công tác phản biện xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Liên Chiểu Lữ Thị Kim Hoa chia sẻ, Liên Chiểu là quận công nghiệp của thành phố, song chủ yếu là công nghiệp vừa và nhỏ. Trong 2 năm qua, Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống của người dân, dù có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, song chỉ là giải quyết trước mắt. Kế hoạch “Thực hiện chương trình an sinh xã hội đến năm 2025 trên địa bàn quận Liên Chiểu” có tính khả thi cao và đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu cuộc sống của đại đa số nhân dân. Chính vì vậy, Mặt trận quận tổ chức hội nghị phản biện dự thảo kế hoạch nói trên. Qua đó, Mặt trận quận đã ghi nhận hơn 10 ý kiến đóng góp liên quan đến các lĩnh vực: người lao động, người có công, bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục… nhằm cụ thể hơn nữa đề án. Từ đó, bổ sung nhiều nội dung, kế hoạch, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, mang lại tính khả thi.
Trong khi đó, việc tổ chức các hội nghị phản biện xã hội của Mặt trận các phường thuộc quận Thanh Khê được tổ chức sôi nổi. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Khê Phạm Ngọc Tuấn, từ đầu năm 2022 đến nay, Mặt trận các cấp quận tổ chức 18 hội nghị phản biện xã hội liên quan đến những vấn đề cấp bách của từng địa phương.
“Gần đây nhất, Mặt trận quận tổ chức hội nghị góp ý chuyên đề số 7 của Mặt trận thành phố về “Kết quả phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá từ nay đến cuối nhiệm kỳ 2020-2025”. Tại hội nghị, có 16 đại biểu tham gia góp ý với 35 ý kiến chất lượng đóng góp xây dựng và hoàn thiện chuyên đề”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, bà Tăng Hoàng Hôn Thắm cho rằng, mặc dù đã phát huy được hiệu quả nhưng hiện nay hoạt động phản biện xã hội vẫn còn một số khó khăn như hiệu quả của hoạt động phản biện xã hội phụ thuộc rất nhiều vào khâu tiếp nhận xử lý các ý kiến phản biện của các chủ thể có thẩm quyền. Bởi trên thực tế đang thiếu những quy định cụ thể về cơ chế tiếp nhận ý kiến phản biện và chế tài đối với việc không tiếp thu ý kiến phản biện xã hội... Thời gian đến, để phát huy hiệu quả của công tác phản biện xã hội, Mặt trận thành phố tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cấp ủy Đảng, phối hợp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Đồng thời, tăng cường phối hợp với UBND cùng cấp để thực hiện cơ chế đặt hàng phản biện xã hội đối với dự thảo các văn bản để các chủ trương, chính sách liên quan đều nhận được sự đồng thuận của nhân dân thành phố.
NGUYỄN QUANG