Chính trị - Xã hội

Ứng xử với môi trường qua mô hình trạm thu hồi vật liệu

07:02, 07/07/2023 (GMT+7)

Gần 2 năm triển khai dự án phân loại chất thải rắn và rác thải sinh hoạt hộ gia đình tại khu vực chung cư Hòa Hiệp (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), mô hình trạm thu hồi vật liệu (trạm MRF) đã giúp gần 100 hộ dân sống tại tổ dân phố 16 giải quyết được bài toán môi trường.

Với mục tiêu thực hiện hỗ trợ nâng cao nhận thức và xây dựng thói quen phân loại rác tại nguồn cho đối tượng hộ gia đình, đồng thời xây dựng trạm MRF nhằm giải quyết vấn đề xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.

Dự án Xây dựng phong trào không rác tại Việt Nam thông qua các tỉnh, thành ven biển được tài trợ bởi Liên minh toàn cầu các giải pháp thay thế đốt rác (GAIA), nằm trong khuôn khổ dự án Không rác thải khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã xây dựng cộng đồng không rác thải đầu tiên tại phường Hòa Hiệp Nam và quận Liên Chiểu theo hướng tiếp cận giảm thiểu chất thải rắn từ các hộ gia đình, người dân để phân loại, tái chế rác thành các sản phẩm sử dụng có ích.

Bà Phùng Thị Tâm, Tổ trưởng tổ dân phố 16, phường Hòa Hiệp Nam cho biết, ngay từ đầu, bản thân bà cùng các hộ dân được địa phương và đơn vị đồng hành cung cấp những thông tin có ý nghĩa về việc phân loại rác, tái chế thành phân hữu cơ (compost) để sử dụng cho trồng trọt. Theo đó, các loại phân hữu cơ được làm từ các sản phẩm rác tái chế thân thiện với môi trường, bảo đảm sự phát triển cho cây xanh, rau, củ, quả giúp những hộ dân vừa tập thói quen bảo vệ môi trường, lại vừa có thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu. Đối với rác không thể tái chế sẽ được người dân chọn lọc để riêng chờ đơn vị thu gom chở đi.

Nhờ vậy, người dân đã nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng, ứng xử với môi trường sống xung quanh, dần hoàn thiện nếp sống văn minh; xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp. Tuy vậy, điều mà bà Tâm và những hộ dân đang thực hiện dự án đang phân vân khi quy mô, phạm vi vẫn còn quá nhỏ hẹp, mô hình chỉ mới thay đổi nhận thức ở những người tham gia, còn chưa tiếp cận những hộ gia đình xung quanh khu chung cư.

“Những hộ dân xung quanh ngoài tổ dân phố 16 vẫn không có sự thay đổi so với trước đây khi hoạt động xả thải ra môi trường, tập kết rác sai quy định ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Chúng tôi mong mô hình sớm triển khai, nhân rộng hơn để người người, nhà nhà đều hưởng ứng tích cực việc xây dựng thành phố môi trường”, bà Tâm bày tỏ.

Ông Đặng Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam cho hay, từ năm 2021 tới nay, phường đã phối hợp, chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ hiệu quả, tích cực cho người dân trong quá trình thí điểm mô hình trạm thu hồi vật liệu. Các đơn vị như Trung tâm Xây dựng và thúc đẩy phát triển bền vững (BUS), Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, Chi nhánh Đà Nẵng (Urenco 15)… được chọn để đồng hành triển khai thực hiện mô hình trạm MRF trên địa bàn phường Hòa Hiệp Nam.

Dù kinh phí cho mô hình thử nghiệm còn rất giới hạn nhưng Trung tâm Xây dựng và thúc đẩy phát triển bền vững (BUS) vẫn cố gắng triển khai đến cộng đồng địa phương. Song song với đó, bằng sự nhiệt tình hưởng ứng phong trào của các người dân cũng như vào cuộc tích cực của chính quyền phường Hòa Hiệp Nam đã giúp nhận thức và hành vi của người dân thay đổi theo chiều hướng tích cực, các vấn đề về môi trường, mỹ quan đô thị đã được hạn chế tại các cộng đồng nơi lắp đặt 7 trạm MRF.

Ông Lê Thế Nhân, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu chia sẻ, quận là địa bàn triển khai mô hình đầu tiên của thành phố, với đặc thù có tính rất riêng biệt khi là nơi tập trung bãi rác Khánh Sơn tại phường Hòa Khánh Nam. Do đó, có thể tận dụng rác thải ở đây làm rác tài nguyên.

Trạm MRF đang thí điểm tại phường Hòa Hiệp Nam sẽ giúp quận có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc giảm thiểu ô nhiễm từ chất thải, tận dụng được lượng rác tài nguyên như nhựa, làm gia tăng mức thu gom và hiệu quả sau thu gom chất thải nhựa. Đây cũng chính là môi trường để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, thông qua hợp tác công và tư, tiến tới nhân rộng mô hình này ra toàn quận trong thời gian sắp tới.

CHIẾN THẮNG

.