Sáng 2-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế” (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp Phiên thứ Nhất của Ban Chỉ đạo.
Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự Phiên họp có các Phó Thủ tướng, Phó Ban Chỉ đạo Trần Lưu Quang, Trần Hồng Hà; các thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận Phiên họp lần thứ nhất Ban chỉ đạo Xây dựng đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế. Ảnh: TTXVN |
GDP tăng gần gấp 2 lần so với 10 năm trước
Thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, từ 2013 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với 7 nước lên Đối tác chiến lược hoặc Đối tác chiến lược toàn diện và 7 nước lên Đối tác toàn diện góp phần tạo ra mạng lưới Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn; chính thức tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình; tham gia sâu rộng vào nhiều FTA và liên kết thương mại thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA…, góp phần củng cố và tăng cường cục diện đối ngoại thuận lợi, rộng mở cho phát triển đất nước.
Tại phiên họp, cùng với nghe báo cáo chung đánh giá các kết quả, các tồn tại, hạn chế và các bài học kinh nghiệm rút ra trong triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị 10 năm qua, các đại biểu thảo luận phân tích làm rõ các nội hàm còn nguyên giá trị của Nghị quyết, cần phải tiếp tục kế thừa phát huy; thẳng thắn nêu những nội dung cần được bổ sung, phát triển để đáp ứng tốt hơn yêu cầu mới của thực tiễn.
Đặc biệt, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương dự báo tình hình và đề xuất định chủ trương, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp, đặc biệt là các giải pháp mang tính đột phá để nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới.
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, sau 10 năm triển khai triển khai thực hiện Nghị quyết 22 đã tạo bước chuyển lớn. Nhận thức được nâng lên, xác định đây là định hướng chiến lược lớn, sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Hành động chủ động, toàn diện, sâu rộng hơn. Chất và lượng của sự phát triển nâng lên. Vị thế chính trị, tiềm lực của đất nước được nâng lên. Quan hệ quốc tế mở rộng. Diện mạo đất nước thật sự thay đổi tích cực, GDP tăng gần gấp 2 lần so với 10 năm trước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban chỉ đạo Xây dựng đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế. Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng chỉ rõ, bên cạnh những thành tựu to lớn, mang tính chiến lược đó, cũng còn những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết như: Tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai hội nhập còn chưa cao; vai trò của Nhà nước trong khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hội nhập có lúc chưa thực sự hiệu quả. Việc triển khai các thỏa thuận, cam kết quốc tế còn hạn chế. Mức độ vươn ra thế giới, tỷ lệ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn; sức mạnh tổng hợp quốc gia tăng lên nhưng nhiều chỉ số, thứ bậc về năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam so với các nước ASEAN không có nhiều thay đổi. Chất lượng nguồn nhân lực, mức độ kết nối giữa các khu vực kinh tế FDI và quốc nội và liên kết giữa các vùng, miền chưa như kỳ vọng...
Cho rằng, dự địa về hội nhập quốc tế còn rất lớn và trên cơ sở phân tích thành tựu, những tồn tại, Thủ tướng chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm cần quán triệt trong triển khai hội nhập thời gian tới.
Trong đó, hội nhập quốc tế có ý nghĩa chiến lược, thực sự là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị, mà người dân và doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực. Hội nhập quốc tế vừa có cơ hội, vừa có thách thức; là vấn đề khó, nhạy cảm nhưng không thể không làm. Hội nhập phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, hiệu quả; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nội lực là cơ bản, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.
“Phải coi hội nhập quốc tế chính là một động lực quan trọng để đổi mới và phát triển. Gắn kết chặt chẽ quá trình hội nhập quốc tế với việc nâng cao năng lực tự chủ, sức cạnh tranh, sức chống chịu và khả năng thích ứng của nước ta trước mọi biến động từ bên ngoài”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng, phải nắm chắc tình hình, bối cảnh quốc tế và nhu cầu phát triển ở trong nước; xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; triển khai công tác hội nhập phải hết sức nhanh nhạy, chủ động, kịp thời, với tư duy dám nghĩ, dám làm, quyết liệt hành động, “dĩ bất biến ứng vạn biến” trên tinh thần tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Hội nhập trên các lĩnh vực phải gắn kết chặt chẽ, bổ trợ cho nhau, triển khai nhịp nhàng, đồng bộ, trong đó hội nhập kinh tế vẫn là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế; hội nhập phải thực chất và với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”…
Trình Bộ Chính trị ban hành 01 văn bản chỉ đạo về hội nhập quốc tế
Cho rằng bối cảnh mới, thực tiễn mới đặt ra một số yêu cầu và nhiệm vụ mới trong triển khai hội nhập quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu một số định hướng để Ban Chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện Đề án, trình Bộ Chính trị.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo, việc hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới phải bám sát và phục vụ hiệu quả cho chủ trương, đường lối xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục thực hiện xóa quan liêu bao cấp, đa thành phần đa sở hữu và hội nhập.
Cùng với đó, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đưa hội nhập thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ giữ vững môi trường hòa bình ổn định, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban chỉ đạo Xây dựng đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế. Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng lấy ví dụ về thực hiện chính sách quốc phòng 4 không: không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Thủ tướng cho rằng, sau 10 năm, Việt Nam đã mở rộng về lượng, tham gia vào nhiều tầng nấc hội nhập khác nhau cả song phương và đa phương. Đây là thời điểm để tạo ra được các bước phát triển mới về chất, tranh thủ hiệu quả các xu thế mới về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, về chuyển dịch, tái sắp xếp các chuỗi cung ứng, các mạng lưới FTAs mà Việt Nam đã tham gia, các quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện để đưa được đất nước vào vị trí tối ưu trong cục diện quốc tế mới, tranh thủ tối đa các nguồn lực cho phát triển đất nước.
Cùng với đó, cần phải có lộ trình, kế hoạch để triển khai hiệu quả, nghiêm túc, đầy đủ các thỏa thuận và cam kết quốc tế. Xây dựng, phát huy được cơ chế để theo dõi, đôn đốc, rà soát thúc đẩy triển khai các thỏa thuận hợp tác mà ta đã ký kết với các nước, cả song phương và đa phương trên tinh thần “đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả, cân đo đong đếm được”.
“Nếu không làm vậy, không chỉ gây lãng phí nguồn lực, thời gian mà còn ảnh hưởng đến uy tín của quốc gia”, Thủ tướng thẳng thắn.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thời gian còn rất ngắn là đến thời điểm Ban Chỉ đạo phải hoàn thành việc tổng kết, báo cáo lên Bộ Chính trị. Để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai công tác tổng kết, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo và Tổ biên tập tập trung, sớm xác định rõ sản phẩm cuối cùng của Đề án tổng kết, đó là tham mưu Bộ Chính trị ban hành 01 văn bản chỉ đạo về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
"Văn bản cần mang tính chiến lược, thực chất, đúng tinh thần “hiệu lực, hiệu quả”, chỉ rõ những “điểm nghẽn” đang cản trở tiến trình hội nhập của cả nước; đưa ra giải pháp để tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn và những vấn đề mới đang nổi lên trong hội nhập quốc tế. Cần đề ra biện pháp để tăng tính liên thông, đồng bộ, hài hòa giữa các lĩnh vực hội nhập quốc tế; phát huy sức mạnh tổng hợp của các trụ cột đối ngoại; nâng cao hơn nữa nội lực để thu hẹp “độ vênh” giữa các bước đi hội nhập ra bên ngoài và việc chuẩn bị, củng cố nội lực, đặc biệt là về thể chế, chính sách, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, các địa phương và toàn nền kinh tế”, Thủ tướng yêu cầu.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 22 là một trong những hoạt động trọng tâm; cần được thực hiện một cách khẩn trương, quyết liệt, thực chất, giúp định hình các phương hướng, biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hội nhập quốc tế, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của nước ta thời gian tới.
Theo TTXVN