Thời sự và bàn luận
Thật không công bằng
Mục
tiêu lớn của thành phố Đà Nẵng đề ra là phấn đấu trở thành thành phố “5 không”
và “3 có”, trong đó vấn đề có nhà ở được người dân đặc biệt kỳ vọng và đó cũng
là quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố.
Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án có nhà ở, các ngành, các cấp đã có
nhiều giải pháp tích cực trong việc tạo quỹ nhà ở cho nhân dân như xây dựng các
khu chung cư, nhà ở liền kề từ nguồn vốn ngân sách thành phố, xây dựng căn hộ,
căn hộ cao cấp từ nguồn vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, huy động
sự đóng góp của cộng đồng xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa… Với 3.282 căn hộ
chung cư (bao gồm quỹ nhà ở xã hội và thương mại) đã và đang xây dựng (đạt
96,53% kế hoạch giai đoạn 1) với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 294.000m2,
tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 1.600 tỷ đồng, đã hỗ trợ cho các đối tượng
chính sách, hộ nghèo xây dựng mới 2.511 căn nhà; sửa chữa 1.483 nhà là sự minh
chứng và quyết tâm về mục tiêu có nhà ở cho nhân dân của Đảng bộ và chính quyền
thành phố.
Thế nhưng, sự cố gắng này vẫn chưa đáp ứng được về nhu cầu chỗ ở cho
nhân dân và cán bộ, công chức trên địa bàn thành phố.
Theo
số liệu của Công ty Quản lý nhà thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, đã có 55
hộ được bố trí vào ở tại các chung cư An Cư 5, khu chung cư tuyến Sơn Trà-Điện
Ngọc, nhà liền kề ở Tân Trà, phường Hòa Hải. Số hộ đã giải tỏa chờ bố trí chung
cư tại phường Nại Hiên Đông, An Hải Bắc, An Hải Tây, Thọ Quang-Mân Thái, Phước
Mỹ-An Hải Đông là 176 hộ. Những hộ khó khăn về chỗ ở có nhu cầu bố trí chung cư
đã được UBND thành phố phê duyệt là 270 hộ. Những hộ khó khăn về chỗ ở có công
văn đề nghị của đơn vị, địa phương là 89 hộ. Cán bộ, công nhân viên, sinh viên
khá giỏi ra trường khó khăn về chỗ ở có đơn xin ở chung cư là 169 người. Số đơn
nộp về Công ty Quản lý nhà xin bố trí chung cư tăng dần theo thời gian và đang
nằm chờ…
Trong
lúc có hàng trăm hộ dân, hàng trăm đối tượng mong muốn được vào ở khu chung cư,
thuê nhà chung cư thì có những đối tượng được ưu ái bố trí vào ở tại các khu
chung cư lại không chịu trả tiền thuê nhà cho Nhà nước, đặc biệt là những đối tượng
có nguồn thu nhập cao. Người dân thật sự bất bình về những cán bộ, công chức,
viên chức Nhà nước ở tại khu chung cư Lê Đình Lý nợ tiền thuê nhà nhiều năm trời,
có hộ với số nợ “treo” lên đến gần 40 triệu đồng, trong khi mức thu nhập có người
tới vài chục triệu đồng/tháng. Với số nợ tiền thuê nhà nói trên không những gây
thất thu nguồn ngân sách của Nhà nước, gây mất niềm tin trong nhân dân về công
tác quản lý, mà lớn hơn cả là đánh mất sự công bằng trong xã hội.
Một
người bán hàng xén ở chợ, ở vỉa hè chưa kịp nộp lệ phí, chậm nộp thuế thì khó
có thể tồn tại được. Một hộ dân chậm nộp tiền điện, tiền nước thì bị cúp điện,
cúp nước ngay. Những hộ dân giải tỏa, mua đất tái định cư nợ tiền mua đất thì
quy ra vàng. Một hộ vay vốn ngân hàng không trả được nợ vay thì bị cưỡng chế…,
trong khi đó, những người được Nhà nước bỏ vốn ra xây dựng các khu chung cư để
bố trí chỗ ở cho họ nhưng lại chây ì trong việc trả tiền thuê nhà mà không có
biện pháp xử lý thì thật vô lý quá. Chúng ta có chính quyền, có cơ quan, đoàn
thể, có tổ chức chính trị và có Công ty Quản lý nhà với đội ngũ chuyên trách mà
lại bất lực trong việc đòi nợ tiền thuê nhà của Nhà nước cũng quá vô lý.
Tại
sao những người nợ tiền thuê nhà không được trừ tiền lương tại các cơ quan, đơn
vị đang công tác? Tại sao không đòi lại nhà để bố trí cho đối tượng khác? Tại
sao không quy ra vàng khi họ nợ tiền thuê nhà, v.v và v.v… Rõ ràng, chúng ta đang
thiếu chế tài trong công tác quản lý nhà Nhà nước, bố trí chỗ ở tại các khu
chung cư mà việc đó không phải là không làm được. Nhưng ai làm và bao giờ làm?
Câu hỏi đó xin nhường lại cho các cơ quan chức năng.
LÊ VĂN HOA