.

Điểm sáng Đà Nẵng

Đến nay, Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước về xóa nhà tạm cho gia đình thương binh, liệt sĩ và các đối tượng chính sách.  Là địa phương có 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ. 100% xã, phường không có hộ chính sách nghèo. Đó là tiêu chí góp phần làm cho Đà Nẵng là điểm sáng trong cả nước về công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ; thông qua nhiều hình thức như tuyên truyền, vận động, các buổi sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, các phương tiện truyền thông, việc giáo dục truyền thống, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc để từ đó tri ân những người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho Tổ quốc được quan tâm thường xuyên.

Hiệu quả công tác giáo dục truyền thống đã xây dựng được ý thức xã hội, rằng, chúng ta - đặc biệt là thế hệ trẻ - đang hưởng cuộc sống trong hòa bình, độc lập tự do hôm nay không được quên biết bao lớp người đã ngã xuống vì sự trường tồn của Tổ quốc, vì tương lai của dân tộc. Không dừng lại ở sự  tri ân, tôn vinh các anh hùng, liệt sĩ, thương binh và những người có công với nước, chúng ta phải khơi dậy tình cảm và trách nhiệm đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh và những người có công.

Hằng năm cứ đến Ngày Thương binh - liệt sĩ, các hoạt động giúp đỡ, tặng quà gia đình chính sách trở nên sôi động không chỉ đối với các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội mà còn có sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và của toàn thể nhân dân. Công tác quy tập mộ liệt sĩ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ được nhiều người, đặc biệt là các cựu chiến binh - tham gia một cách tự nguyện. “Sống có cái nhà, chết có nấm mồ”, quan niệm đó của người Việt được thành phố thực hiện với một nỗ lực cao nhất.

Đà Nẵng cũng vận dụng nhiều chính sách cho những đối tượng cụ thể nhằm ổn định cuộc sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách. Những hỗ trợ cụ thể, thiết thực về nhà cửa, về vốn liếng làm ăn, về học tập, đào tạo nghề, khám chữa bệnh. Riêng về nhà ở, đến nay, thành phố đã cấp trên 1.000 lô đất cho gia đình các đối tượng chính sách làm nhà ở. Chủ trương xóa nhà tạm cho đối tượng chính sách cũng được triển khai một cách kiên quyết. Trong năm 2009, mặc dù kinh tế thành phố gặp nhiều khó khăn, nhưng ngân sách thành phố dành 1,4 tỷ đồng để hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp 140 ngôi nhà cho các đối tượng chính sách.

Hiện nay ở Đà Nẵng, 100% số hộ chính sách có mức sống cao hơn, hoặc chí ít cũng bằng mức sống trung bình của người dân trong khu vực. Nhiều hộ gia đình chính sách, từ sự giúp đỡ của địa phương đã vượt khó, vươn lên tự làm chủ được cuộc sống; trong đó không ít trường hợp vươn lên làm giàu, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố.

Không ít thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công luôn phát huy truyền thống quê hương, gia đình, tích cực trên nhiều lĩnh vực mà mình công tác, hay cư trú như lao động sáng tạo, có nhiều sáng kiến, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương... được nhân dân tin tưởng, khâm phục mà ông Lê Minh Trung, phường An Hải Bắc, ông Đỗ Hùng Luân, Hội Tù yêu nước thành phố, ông Trần Kim Hùng, phường Vĩnh Trung, Lâm Văn Bá, phường Hòa Cường Bắc là những ví dụ tiêu biểu.

 Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố, vẫn còn một số trường hợp, với những lý do khác nhau, chính sách của Đảng và Nhà nước chưa đến được với họ. Đời sống một số gia đình này, do vậy còn khó khăn. Vẫn còn nhiều thân nhân liệt sĩ chưa tìm được hài cốt người thân mình.

Công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, vì vậy, cần được duy trì và đẩy mạnh hơn. Cần triển khai công tác Đền ơn đáp nghĩa một cách đồng đều, sâu rộng. Công tác tuyên truyền, biểu dương những gương điển hình tiên tiến trong phong trào đền ơn đáp nghĩa cần được tăng cường. Cần duy trì và phát triển các hoạt động tình nghĩa với mức độ xã hội hóa cao. Làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, đó sẽ là động lực để Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Hồng Hà

;
.
.
.
.
.