Chuyện an toàn thực phẩm (ATTP) có lẽ là một trong những chuyện thuộc về dạng “người lạ mặt quen biết” bậc nhất của đời sống hằng ngày, bởi hầu như ai cũng phải đối mặt với nó trong từng bữa ăn. Thế nhưng, điều kỳ lạ là thói quen tiêu dùng từ bao đời nay đã tạo nên sự thờ ơ (của người ăn), sự vô cảm (của người bán) và sự bàng quan do thiếu nhận thức đúng của toàn xã hội.
Hãy để ý nhìn kỹ một thau dưa muối (ở ngoài chợ) hay một đĩa rau diếp cá (trên bàn ăn nhà hàng) sẽ thấy rất rõ rằng đoạn to nhất của bẹ dưa luôn có những vết “đen đen” của nước tưới rau bám chắc lâu ngày không hề được rửa sạch hoặc những vết đất sét trên lá rau diếp cá (vì giống rau này mọc thấp). Người muối dưa không thể cắt bỏ một phần ba bẹ lá tính từ gốc vì giá cả sẽ đội lên, còn nhà hàng thì chẳng bao giờ người ta mất công đi rửa từng lá rau cho khách. Đó chỉ là vài ví dụ trong muôn vàn dẫn chứng hằng ngày chỉ cho ta biết thói quen mất vệ sinh tai hại đến chừng nào!
Có thể nói chắc chắn rằng gần 90% thực phẩm đang được người tiêu dùng sử dụng đều thuộc dạng “không rõ nguồn gốc” hoặc không thể biết là chúng có sạch hay không? Kiểm soát và hạn chế mối nguy thường trực từ thực phẩm luôn là một điều nan giải; thậm chí, nó động chạm đến cả “truyền thống” văn hóa ẩm thực. Giải pháp ở đâu?
Trước hết, các cơ quan chức năng như kiểm dịch, bảo vệ môi trường chưa hoàn thành trách nhiệm là một thực tế hiển nhiên. Báo chí cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng (mới nhất là bài của Duyên Anh trên báo Đà Nẵng ngày 26-8-2009) đã cho thấy những sự thật nằm ngoài mọi trí tưởng tượng như “thầu thịt ôi, cá ôi”, mùi “thum thủm đặc trưng của đồ lòng”, cơm bụi của sinh viên… Nếu các cơ quan chức năng có tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo vệ sức khỏe của người dân thì dĩ nhiên những vấn nạn kinh khiếp đó sẽ được giảm bớt.
“Văn hóa ẩm thực” của món ăn Việt có rất nhiều điều để tự hào nhưng cũng không ít những nỗi buồn phải cười ra nước mắt. Chẳng hạn, cơm hến, bún hến là niềm “tự hào” của nhiều vùng đất, thậm chí được coi là đặc sản nhưng rõ ràng chúng ta đã quên mất rằng 1/2 con hến là… túi phân (!) Nói điều này ra là động chạm đến bát cơm manh áo của nhiều người nhưng không thể không nói...
Thay đổi những thói quen ẩm thực nhiều nguy hại là điều không thể làm ngay trong một sớm, một chiều. Nó cần đến sự thay đổi về cách nghĩ, cách làm, cách tuyên truyền, vận động từ từng gia đình. Nhưng, nếu không thay đổi thì làm sao chấm dứt?
Chuyện ăn uống của ta giống như đi xe đò thời bao cấp. Xe cà rịch cà tang, chạy chậm, ngồi chật như nêm nhưng vẫn phải đi vì không có xe nào khác và, quan trọng nhất: Phải trả ít tiền. ATTP cũng tương tự. Muốn giải quyết vấn đề từ gốc thì Nhà nước (chính quyền địa phương) phải tăng cường đội ngũ cán bộ, nhân viên kiểm dịch, VSATTP.
Chừng nào chưa có đủ đội ngũ đó thì chừng đó, chuyện ATTP chỉ là lý thuyết mà thôi. Phải đầu tư cho người trồng rau, chăn nuôi để họ tạo ra thực phẩm sạch, đúng chất lượng. Điều này đồng nghĩa với việc giá cả thực phẩm sẽ đắt đỏ hơn. Tuy nhiên, đây là con đường duy nhất đúng nếu chúng ta cảm nhận và hiểu đúng nguy cơ từ những thực phẩm không sạch, ô nhiễm.
“Cuộc chiến” để làm sạch thị trường thực phẩm sẽ rất gay go, dài lâu. Thế nhưng, có một vấn đề mà tác giả của cuốn sách Sự sụp đổ của các nền văn minh đã đưa ra buộc chúng ta phải suy nghĩ: 80% người dân Đông Nam Á có bệnh về đường ruột hoặc hệ tiêu hóa; cơ thể bị đe dọa từ nhiều loại ký sinh! Tai họa của căn bệnh này là sức lao động giảm sút đến gần 50%, các chứng bệnh mãn tính khó chữa… Cảnh báo đó nói lên rằng vấn đề ATTP quan trọng biết chừng nào!
HÀ VĂN THỊNH
.
.
An toàn thực phẩm
Thứ Năm, 27/08/2009, 09:29 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.