Trong không khí náo nức của hàng triệu học sinh cả nước chuẩn bị cho năm học mới đang đến rất gần; toàn dân nói chung và các cơ quan chức năng nói riêng cũng đang cố gắng hết mức để chạy đua với thời gian nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ “bùng nổ” của dịch cúm A/H1N1!
Tính đến nay, trên thế giới đã có 1.300 nạn nhân tử vong vì loại virus nguy hiểm này. Ở Việt Nam, mới đây, một nạn nhân còn trẻ cũng đã bị thiệt mạng. Thực tế đó nói lên rằng, dịch cúm A/H1N1 không còn là một nguy cơ nữa mà đã trở thành mối đe dọa thực sự đối với tất cả chúng ta. Điều đáng lo hơn nữa là hầu như 90% dân số vẫn đang hết sức thờ ơ, coi như đó là “chuyện của người khác”? Thái độ đó thật đáng báo động vì loại vi-rút cúm này là đáng sợ bởi chưa tìm ra thuốc đặc trị, bởi nó luôn tấn công với tỷ lệ cao (70% các ca nhiễm bệnh) đối với tầng lớp thanh-thiếu niên.
Càng đáng sợ hơn nữa là chính sự thờ ơ của nhiều người dân đã trở thành sự “trợ lực gián tiếp” cho bệnh dịch lan nhanh; nhất là, khi năm học mới với sự tập trung cao số lượng học sinh ở các trường học sẽ tạo nên “hiệu ứng bắc cầu” làm cho dịch bệnh phát tán rộng hơn.
Kịch bản tốt nhất là dập tắt được dịch bệnh trước tháng 9 năm 2009. Nếu thực hiện được kịch bản này thì có thể coi đây là tin vui lớn nhất cả hàng triệu học sinh cả nước cùng gia đình các em cho một năm học mới khỏe mạnh, an toàn.
Tuy nhiên, đây cũng là kịch bản khó khả thi nhất vì thời gian không còn nhiều. Hơn nữa, sắp đến giai đoạn chuyển mùa từ hè sang thu sẽ tạo nên một chất “xúc tác” mới cho dịch bệnh có thể trở nên nguy hại hơn. Cần phải coi việc đẩy lùi bệnh dịch trước năm học mới là giải pháp ưu tiên. Nếu cần, phải tạm lùi trên toàn quốc ngày khai trường từ một đến hai tuần để có đủ thời gian và điều kiện kiểm soát được dịch bệnh.
Muốn thực hiện được nhiệm vụ khó khăn nhưng không phải là không thể trên, cần phải có một chiến dịch tuyên truyền sâu rộng - nhất là đối với bộ phận dân cư ít có thói quen tiếp xúc với các nguồn thông tin từ truyền hình, báo chí. Sự đồng cảm, thấu hiểu nguy cơ từ đại đa số dân chúng sẽ bảo đảm cho khả năng thành công cao hơn rất nhiều.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cần phải nỗ lực hơn nữa, tập trung hơn nữa trong việc bao vây, khoanh vùng. Cách ly tuyệt đối những bệnh nhân và phải cách ly luôn cả những khu vực có khả năng nhiễm bệnh cao nhất. Nếu để xảy ra sự “bùng nổ”, lây lan thì hậu quả là rất nghiêm trọng, thậm chí không thể lường hết được.
Cũng nên nhấn mạnh rằng, một số nước có trình độ công nghệ rất cao như Mỹ, Canada, Hà Lan…, vẫn không thể khống chế dịch cúm A/H1N1 hoàn toàn. Điều đó chứng tỏ rằng mức độ khó khăn của công tác phòng chống dịch bệnh là rất cao. Kinh nghiệm từ thực tiễn mấy năm qua còn cho thấy, bộ phận dân cư chủ quan nhất là cư dân miền Trung - vùng có nhiều người nghèo và cũng là vùng luôn có cách nghĩ rằng sức đề kháng của người miền Trung cao hơn các vùng dân cư khác? Cách nghĩ ấy chưa được thực tế kiểm nghiệm nhưng xu hướng chung nghiêng theo kiểu suy luận trên không phải là số ít.
Người viết bài này đã thử phỏng vấn nhanh khoảng hơn 10 người với câu hỏi: “Triệu chứng ban đầu nhiễm cúm A/H1N1 là như thế nào”? Kết quả 9/10 người “đoán” và chỉ có 1 người biết rất lơ mơ (!). Đây là một thực tế không thể coi thường; đồng thời minh chứng rằng công tác tuyên truyền trong thời gian qua chưa đạt được hiệu quả đúng như yêu cầu mà tình hình đặt ra.
Cảnh giác, khẩn trương và nỗ lực để ngăn chặn - dập tắt dịch cúm A/H1N1 là nhiệm vụ của toàn dân. Chống dịch như chống giặc phải coi là nhiệm vụ bức thiết. Tránh tình trạng do sợ hãi lòng dân hoang mang mà chỉ tuyên truyền “vừa phải” hoặc ngược lại, do thái quá mà dẫn đến sự chồng chéo trách nhiệm khiến công tác phòng dịch không hiệu quả. Cảnh giác và tỉnh táo là thái độ đúng của trách nhiệm và tất cả chúng ta!
NGUYỄN HOÀNG
.
.
Cảnh giác dịch cúm A/H1N1 trước thềm năm học mới
Thứ Sáu, 07/08/2009, 09:21 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.