.

Lý luận và thực tiễn

Bất kỳ người Cộng sản nào cũng hiểu rõ nguyên lý mà Lênin đã chỉ ra: “Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng. Chỉ đảng nào có lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới đảm đương được vai trò chiến sĩ tiền phong”. Tất nhiên, từ lý luận đến thực tiễn là một khoảng cách, đòi hỏi những nhà cách mạng phải vận dụng một cách sáng tạo lý luận mà mình có vào thực tiễn sinh động luôn luôn đổi thay một cách nhanh chóng, sâu sắc.

Công tác tuyên giáo – tuyên truyền, giáo dục đảng viên, quần chúng dù ở giai đoạn nào của lịch sử cũng có ý nghĩa và vai trò hết sức lớn lao. Lãnh tụ vĩ đại Nguyễn Ái Quốc là mẫu mực kiệt xuất trong lĩnh vực này. Ở Pháp, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, Người vẫn tự mình xuất bản được tờ báo Le Paria để thức tỉnh lòng yêu nước, truyền bá tinh thần cách mạng và khơi dậy lòng căm thù của nhân dân ta đối với thực dân Pháp.

Đầu tháng 6 năm 1925, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập. Chỉ hơn hai tuần sau, tờ báo Thanh Niên chính thức ra đời (21-6-1925). Trong lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, hiếm có một phong trào nào có thể ra được một tờ báo trong điều kiện cực kỳ khó khăn, với thời gian nhanh đến mức phi thường như thế!

Những cao trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo trong suốt 79 năm qua đã để lại rất nhiều những bài học kinh nghiệm quý báu. Một trong  những  bài học sâu sắc nhất là bài học về công tác tuyên truyền – giáo dục đảng viên, vận động và tổ chức quần chúng. Có thể nói, trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Mặt trận Việt Minh vừa là ngọn cờ tập hợp lực lượng, vừa là cơ quan tuyên giáo đầu tiên của Đảng.
 
Vai trò của Mặt trận Việt Minh trong việc cụ thể hóa, hiện thực hóa mọi chủ trương, chính sách của Đảng; biến những nguồn sáng đó thành sức mạnh to lớn, rộng khắp; chính là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất của sự kết hợp biện chứng lý luận và thực tiễn. Bác Hồ đã từng ví rất hay rằng, trong công tác cách mạng, “thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng”. Trong trường hợp này, có thể hiểu chủ trương, đường lối của Đảng là cái chiêng, công tác tuyên truyền giáo dục chính là “cái tiếng” đầy sức mạnh của mọi phong trào.

Khi nghiên cứu về cuộc chiến tranh Việt Nam, hầu như các nhà sử học Pháp và Mỹ đều thống nhất với nhau ở một điểm: Sở dĩ cả Pháp và Mỹ đều thua ở Việt Nam là do đã không lường nổi sức mạnh của lòng yêu nước, khát vọng độc lập, tự do – một khi được giáo dục đến mức thấm sâu, “hóa thân” thành máu thịt của mỗi người dân thì không một bạo lực cường quyền nào có thể chiến thắng nổi.
 
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được tự do, độc lập”; “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”…, không còn là khẩu hiệu, không phải là ngôn từ mà đã thực sự trở thành lý tưởng, lẽ sống, bổn phận và sự hy sinh của mọi người dân Việt Nam yêu nước.

Mỗi chế độ xã hội đều có cách tuyên truyền, giáo dục phù hợp với mô hình xã hội mà chế độ đó thiết lập. Vì vậy, không thể rập khuôn, máy móc áp dụng các cách thức đúng – nhưng đã qua; để rồi, bỏ quên mất những yêu cầu mới, nhiệm vụ mới tuy chưa rõ ràng trong hiện tại – nhưng sẽ đến! Mỗi giai đoạn lịch sử đều cần đến thứ ngôn ngữ riêng, cách nói riêng, nội dung riêng của nó. Đây là mấu chốt để cho công tác tuyên giáo tự điều chỉnh để đảm đương vai trò mới một cách hiệu quả đúng như những thành công to lớn mà nó đã đạt được trong hàng chục năm qua…

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.