.

Báo động đỏ!

Trong số 3.527 bài thi môn Văn vào Đại học Sư phạm Đà Nẵng năm 2009, có đến 2.936 bài có số điểm dưới 5 (chiếm 83,24%), chỉ có một bài thi đạt điểm cao nhất là 8 điểm. Môn Sử còn bi đát hơn, trong số 3.521 bài thi, có tới 3.345 bài bị điểm dưới 5 (chiếm 95%). Môn Địa lý có tỷ lệ điểm trên trung bình cao nhất trong số các môn thi khối C, nhưng cũng có đến 59,71% bài thi có điểm dưới trung bình.

Con số thống kê trên khiến mọi người giật mình: Thực trạng học các môn xã hội-nhân văn của học sinh hiện nay rất đáng báo động. Càng đáng nói hơn là trực trạng đó không chỉ xảy ra ở kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2009, mà đã xuất hiện từ nhiều năm trước đó. Xin dẫn chứng ra đây những con số cụ thể:

Cách đây hai năm, kỳ thi tuyển sinh năm 2007 vào Đại học Đà Nẵng, có 85% bài thi môn Văn khối C, D dưới điểm 5, trong số 9.500 bài thi chỉ có một bài được điểm 8. Môn Sử khối C có 98,7% dưới điểm 5 và hơn 21% bị điểm 0. Tước đó, năm 2004, trong số 12.188 thí sinh thi môn Văn vào Đại học Đà Nẵng có đến 93,3% thí sinh có điểm dưới 5, và 744 thí sinh thi môn Sử thì con số trên là 96,7%.

Nghĩa là trong nhiều năm qua, chuyện học Văn và Sử của học sinh - sinh viên (HSSV) gần như không có sự tiến triển đáng kể nào. Tình trạng này không chỉ xảy ra đối với các thí sinh dự thi vào Đại học Đà Nẵng mà hầu như xảy ra trên phạm vi cả nước.

Không khó để chứng minh điều này khi thời gian qua, và cả những năm trước đây, nhiều tờ báo, nhiều diễn đàn đã nêu ra những câu chuyện cười ra nước mắt từ những bài làm Văn và Sử của học sinh THPT và thí sinh dự thi đại học. Những bài văn lấy nhân vật trong “Vợ nhặt” của Kim Lân “cắm” vào trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, hay viết tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” là của Lý Thường Kiệt… là những thực tế cười ra nước mắt trong những năm qua. Đối với môn Sử, thậm chí nhiều học sinh thuộc sử… Trung Quốc hơn nắm rõ sử Việt.

Có nhiều cách lý giải cho thực trạng mơ hồ về lịch sử, không tường tận về Văn học (và cả tiếng Việt) của HSSV hiện nay. Trong xu hướng hiện nay, phần lớn học sinh ngay từ đầu đã học lệch khi chọn các môn khoa học tự nhiên, kinh tế mà lơ là các môn khoa học xã hội-nhân văn. Không những thế, đáng lo hơn nữa, là hiện nay với tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và Internet, không ít HSSV làm những bài văn, những câu hỏi về lịch sử bằng cách… click chuột lên google để tìm kiếm và nhân bản. Một nguyên nhân nữa, đó là thực trạng “đọc-chép” hiện nay trong các trường học. Cách dạy không mới, thiếu sáng tạo và đầy sách vở đã khiến cho học sinh mất hứng thú và “sợ” các môn mà lẽ ra các em phải rất hồ hởi. Và còn nhiều nguyên nhân khác nữa…

Văn là người, là vẻ đẹp trong mỗi tâm hồn. Sử là cội nguồn, là gốc rễ. Những kiến thức cơ bản về văn hóa, về lịch sử dân tộc, về địa lý của đất nước là hết sức cần thiết đối với mỗi HSSV, những trí thức tương lai của đất nước. Trong thời đại hội nhập sâu rộng với toàn cầu, trong một thế giới ngày càng phẳng ra, những kiến thức nghèo nàn về văn học, văn hóa; lệch lạc về lịch sử; mơ hồ về địa lý là điều rất nguy hiểm.

Vì vậy, sẽ không quá lời khi nói rằng thực trạng học Văn, Sử hiện nay của HSSV là báo động đỏ!

ĐÀ NAM

;
.
.
.
.
.