.

Đoàn kết và Phục vụ…

Trong những bản văn nổi tiếng của nhân loại, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một - từ rất ít, những bản di chúc có nhiều ý nghĩa và tình cảm sâu sắc nhất. Thông thường của một cuộc đời, kết hợp được cả hai yếu tố: Con người chính trị và con người nhân văn trong một vị lãnh tụ là điều mà lịch sử nhân loại đã từng được chứng kiến không nhiều. Chính vì thế, đôi khi ta cảm thấy rất rõ ràng là Di chúc của Bác Hồ thật giống với một áng thơ bất hủ - đặm nghĩa sắc sâu của trí tuệ mẫn tiệp nhưng lại có đủ chan chứa ân tình từ “ngôn ngữ” của trái tim…

Trong 1.139 từ của bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “tóm tắt” thật rõ những gì Người đã “phục vụ” nhân dân, đất nước trong suốt gần 60 năm - kể từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước. Chúng ta bỗng phải giật mình khi thấy Hồ Chủ tịch đã 11 lần dùng hai từ PHỤC VỤ và 8 lần dùng hai từ ĐOÀN KẾT! Đó không bao giờ là chuyện ngẫu nhiên.

Cái lẽ tự nhiên nhất của cuộc đời là xu hướng ly khai. Trong khi đó, muốn có sức mạnh và thành công, con người cần phải biết đoàn kết lại. Đây cũng là nguồn cội của những vinh quang mà dân tộc Việt Nam đã giành được trong suốt 79 năm qua - kể từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam. Tất nhiên, dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải thấy rằng, khi Hồ Chủ tịch nói  “phải giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” là Người muốn nói đến hai vấn đề:
 
Đoàn kết là rất quan trọng nhưng, sự mất đoàn kết cũng rất đáng báo động. Nếu không giải quyết được vấn đề đoàn kết thì sự nghiệp cách mạng cũng như khối thống nhất toàn dân tộc chỉ là lý thuyết mà thôi. Càng suy ngẫm về hai từ “đoàn kết” trong Di chúc, chúng ta càng hiểu thêm vì sao lúc sinh thời, dẫu là một cuộc họp, hay một dịp liên hoan nào, Bác đều bắt nhịp để mọi người cùng hát bài ca Kết đoàn.

Bác Hồ đã từng phê phán rất nhiều lần về hiện tượng “quan cách mạng”. Đó là những biến thái của tàn dư phong kiến - tiểu nông rất nguy hại và gây nên ảnh hưởng khá phổ biến ở mọi lúc, mọi nơi. Mọi sai trái trong bộ máy hành chính của ta hiện nay, suy cho đến cùng là do không nhận thức đúng và đủ hai từ phục vụ.

Cán bộ phải là người đầy tớ trung thành, họ được “sinh ra” để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Giá trị của hai từ “phục vụ” chỉ có thực nếu đi kèm với nó là sự hy sinh, tận tuỵ hết mình vì dân, vì nước. Có hiểu được như thế thì người cán bộ mới thanh thản, toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp của Đảng, của nhân dân. Một khi “quên” hoặc không nhận thức đúng ý nghĩa sâu - rộng của sự phục vụ thì sẽ không đạt được hiệu quả tốt về công việc, không tỏa sáng về tâm và, rất dễ sai lầm về nguyên tắc hành động.

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những giá trị sống lý tưởng nhất của loài người. Công lao của Người rộng hơn biển lớn, trầm hùng và xanh hơn cả dãy Trường Sơn. Vậy mà, Người không hề nói mình cống hiến mà chỉ là phục vụ mà thôi. Nói cách khác, Người đã hoàn toàn tin tưởng rằng, Người chỉ làm tròn bổn phận sống, trách nhiệm của một con người chứ không hề cho rằng mình đã làm được thật nhiều cho non sông, đất nước. Nhân cách và tâm niệm của một vị lãnh tụ cao minh và giản dị như thế khiến mỗi chúng ta đều hiểu rõ, kính yêu Người hơn...

Đọc lại Di chúc không biết đến lần thứ bao nhiêu, ta mới chợt nhận ra rằng hai giá trị lớn nhất để làm nên ý nghĩa sống của cuộc đời là đoàn kết và phục vụ. Đoàn kết cho mỗi chúng ta, cho dân tộc Việt Nam sức mạnh vô bờ bến. Phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc là ý nghĩa đích thực để sống và hiểu trên cuộc đời này. Những lời căn dặn của Bác Hồ cách đây 40 năm tưởng chừng như mới vừa được nói hôm qua, sáng nay…

TÔ VĨNH HÀ

;
.
.
.
.
.