Nước ta có bao nhiêu người nghèo? 20%, 30% hay có thể là nhiều hơn? Tỷ lệ đó phù hợp với mức thu nhập tính theo GDP năm 2008 đã gần đạt được mốc bình quân 1.000 USD/người? Không lẽ chỉ riêng chuyện “bình quân”, “chuẩn” mà chúng ta cứ loay hoay mãi để đến nỗi khi bàn về một vấn đề nào đó, bao giờ cũng phải mở ngoặc rằng “mức tính chung của thế giới có điểm khác so với Việt Nam”? Liệu những cái “khác” đó sẽ tồn tại đến bao giờ và, nếu cứ bàn chuyện “tích cực hội nhập” trong khi ta cứ tính, cứ đi theo cách “không giống ai” thì đến khi nào chấm dứt tình trạng “hội nhập nửa vời”?...
Bộ LĐ-TB-XH vừa dự thảo ban hành chuẩn nghèo mới; theo đó, trong giai đoạn 2011-2015, khu vực nông thôn có thu nhập đến 350.000 đồng/người/tháng và thành thị là 450.000 đồng/người/tháng sẽ được coi là người nghèo. Trong khi đó, mức chuẩn chung của thế giới là dưới 2 USD/người/ngày (tương đương 1.000.000 đồng/tháng) được coi là nghèo; và dưới 1 USD/ngày (tương đương 500.000 đồng/tháng) bị xếp vào dạng đói nghèo(!) Nếu so với mức “chuẩn” cũ của Việt Nam (trước dự thảo trên), người nghèo chiếm khoảng 13%; còn nếu theo “chuẩn” mới, tỷ lệ người nghèo sẽ tăng lên 20%. Nhưng, nếu tính theo cách của thế giới thì tỷ lệ này còn cao hơn nữa!
Câu hỏi thứ nhất. Phải chăng chúng ta ưa thích những con số đẹp và cái sự “đẹp” đó được biện giải là do “hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam” nên phải có cách tính khác – theo chỉ số PPP, về tiêu dùng và sức mua cá nhân? Từ góc độ kinh tế học, cách lý giải trên là khó thuyết phục. Bởi vì, bất kể thành thị hay nông thôn, để lo chi phí về tiêu dùng cá nhân, mỗi ngày 15.000 đồng là vô cùng khó khăn. Đó là chưa nói đến sự đe dọa của rủi ro, bệnh tật cùng các khoản chi “bất thường một cách thường xuyên” khác như cưới xin, ma chay, giỗ chạp chẳng hạn.
Câu hỏi thứ hai, rất nhiều hàng hóa mà giá cả đã được toàn cầu hóa toàn bộ hay phần lớn như giá xăng dầu, giá vàng và các vật dụng thông dụng khác, tại sao riêng chỉ có chuẩn nghèo, Việt Nam lại khác? Con số hàng hóa nhập khẩu (nhập siêu) tự nó đã nói lên rằng người Việt Nam ngày nay đang phải thích ứng với giá cả thế giới lên đến hơn 50% tổng chi tiêu; có nghĩa là, việc biệt lập hóa “thế giới riêng” của ta là không phù hợp.
Đó là chưa nói việc có không ít loại hàng hóa giá cả “trên trời” như sữa, cước phí điện thoại, bất động sản... , là sự ám ảnh thực sự đối với đông đảo người nghèo tại các đô thị. Chẳng hạn, những người nghèo làm sao có chỗ ở khi một căn nhà xập xệ nhất ở TP. Hồ Chí Minh không bao giờ có giá dưới vài trăm triệu đồng.
Câu hỏi thứ ba, cách lập chuẩn hiện nay tạo nên rất nhiều phiền hà, hệ lụy khi tổng quát hóa các chiến lược quốc gia cũng như các kế hoạch ngắn hạn. Phải chăng vì sự nhiêu khê này nên có không ít các chỉ số kinh tế của ta tỏ ra không sát với thực tế? Đây là một nguy hại không hề nhỏ bởi kinh nghiệm cho thấy trong mọi bài toán kinh tế hay “bài toán” của cuộc đời, một khi thông số đầu vào bị nhiễu hay sai lệch thì mọi kết quả của đầu ra đều bộc lộ tính thiếu tin cậy nếu không muốn nói đến từ “giá trị ảo”. Vậy thì, tại sao ta cứ cố tình tìm cách để “đo lường” cuộc sống của mình bằng những cái cân thiếu chuẩn xác?
Từ ba vấn đề trên, có thể rút ra câu trả lời chung rằng thế giới hóa các chỉ số kinh tế không chỉ là đòi hỏi của việc loại bỏ các giá trị ảo mà còn là yêu cầu bắt buộc của nguyên tắc hội nhập toàn cầu. Con tàu WTO không cho phép chúng ta bơi theo bằng cách cột chiếc thuyền nhỏ của mình sau cái đuôi của nó. Sự đồng hành của hội nhập là nhu cầu bắt buộc của “thủy thủ đoàn”. Không thể có chuyện một hay một nhóm thủy thủ tự tách ra để tạo cho mình một luật lệ hay cách ứng xử riêng. Điều đó bất cập và nói thẳng ra là hại nhiều hơn lợi.
Nghịch lý từ những con số có nhiều lắm. Chẳng hạn, tỷ lệ người nghèo thì ngày càng “giảm” nhưng theo Bộ LĐ-TB-XH, chỉ riêng trẻ mồ côi, lang thang, ở Việt Nam đã có đến 1,6 triệu em (TN, 5-8-2009) và nước ta đang nằm trong danh sách có trẻ suy dinh dưỡng cao nhất thế giới. 15% học sinh tốt nghiệp THCS không tiếp tục vào học THPT, chỉ có 3% khách du lịch quay lại Hội An trong khi ngành Du lịch “liên tục phát triển”; trường học thân thiện được phát động rộng khắp, nhưng 30% trường học không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đạt chuẩn…
Làm thế nào để xây dựng một xã hội trung thực, tiết kiệm nếu chúng ta phải sống chung với các giá trị ảo và nghịch lý? Có lẽ không khó lắm để trả lời…
HÀ VĂN THỊNH
.
.
Lạm bàn về chuẩn nghèo
Thứ Tư, 12/08/2009, 07:53 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.