.

Tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 03/2011/ TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Quyết định số 63/2010/ QĐ-TTg ngày 15-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Chính sách tín dụng này nhanh chóng được nông dân, ngư dân tiếp nhận, coi đó là gói kích cầu hết sức ý nghĩa cho sản xuất; chính quyền các cấp, Ngân hàng NN&PTNT đang triển khai và chắc chắn đây sẽ là động lực thúc đẩy nông nghiệp, ngư nghiệp phát triển.

So với các chính sách tín dụng ưu đãi đã triển khai thời gian gần đây, chính sách tín dụng theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg thông thoáng hơn, nhiều đối tượng hưởng lợi và lãi suất được hỗ trợ nhiều hơn, đến 100%. Các HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình và cá nhân có địa chỉ cư trú hợp pháp, được UBND cấp xã xác nhận trực tiếp sản xuất và phục vụ sản xuất; các doanh nghiệp ký và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản và dịch vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với nông dân có nhu cầu mua sắm máy móc, thiết bị đáp ứng nhu cầu giảm tổn thất sau thu hoạch đều được vay vốn dài hạn hỗ trợ lãi suất qua hệ thống Ngân hàng NN&PTNT. Tất cả các loại máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất, thu hoạch và nuôi trồng thủy sản như máy làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa, ngô, cà-phê, chè, mía, sản xuất giống thủy sản, xây dựng cải tạo ao hồ, thu hoạch và vận chuyển thủy sản… đều được đưa vào danh mục hỗ trợ lãi suất.
 
Vốn vay cũng mở rộng cho đầu tư xây dựng sân phơi đến 1.000m2, lắp đặt các thiết bị làm lạnh, cấp đông và hầm bảo quản hải sản trên tàu cá, những lĩnh vực các chính sách trước không đề cập đến. Về máy móc, thiết bị thuộc diện được ưu đãi lãi suất khi vay để mua sắm cũng không nhất thiết sản xuất trong nước 100% như các gói kích cầu trước đây mà chỉ cần có giá trị sản xuất trong nước trên 60%, có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật là đủ điều kiện vay vốn và mức tiền vay bằng 100% giá trị hàng hóa. Đối với lãi suất, 2 năm đầu được Nhà nước hỗ trợ 100%, năm thứ 3 trở đi hỗ trợ 50%. Ngân sách Nhà nước cấp bù phần lãi suất cho ngân hàng trực tiếp giải ngân cho vay.

Đối với các tổ chức, cá nhân tư đầu tư xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, kho bảo quản thủy sản, rau quả, tạm trữ cà-phê… ngoài việc được miễn tiền thuê đất theo Quyết định số 57/2010/QĐ-TTg ngày 17-9-2010 của Thủ tướng Chính phủ, theo chính sách tín dụng này đối tượng vay được hưởng thêm các ưu đãi: Nhà nước hỗ trợ 20% kinh phí giải phóng mặt bằng, 30% kinh phí hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào và được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu đi vào hoạt động, giảm 50% trong 2 năm tiếp theo. Không những vậy, chính sách tín dụng theo Quyết định 63/2010/TTg đặc biệt ưu tiên hỗ trợ khoa học công nghệ. Cụ thể: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua giống để áp dụng thử nghiệm lần đầu với các giống lúa, ngô có năng suất chất lượng cao; tổ chức, cá nhân mua bằng sáng chế tự sản xuất hoặc phối hợp với các tổ chức, cá nhân khác sản xuất máy móc, thiết bị có khả năng ứng dụng rộng rãi trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch; những sản phẩm sáng tạo của nông dân có khả năng ứng dụng rộng rãi, được cơ quan có thẩm quyền công nhận sẽ được cho vay vốn để đăng ký sở hữu trí tuệ.

Có thể nói, chính sách tín dụng theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là cơ hội rất lớn về vốn để nông  dân, ngư dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, hạn chế thấp nhất tổn thất sau thu hoạch. Đây được coi là gói kích cầu có ý nghĩa nhất kể từ Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa X ban hành.  Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để nhiều nông dân, ngư dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi lãi suất này, bởi các gói kích cầu trước đây, tỷ lệ nông dân, ngư dân vay được vốn khá thấp.
 
Chính sách tín dụng đã hướng đến sản xuất nông-ngư nghiệp với các điều khoản rất chi tiết, cụ thể, vấn đề còn lại là khâu thực hiện của chính quyền các cấp và hệ thống Ngân hàng NN&PTNT. Với chính sách này, không thể để tình trạng được sao hay vậy, mà chính quyền, các ban, ngành liên quan phải vào cuộc phối hợp với ngân hàng để các đối tượng được vay tiếp cận với vốn ưu đãi thuận lợi nhất. Kết quả thực hiện sẽ đánh giá qua số doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân được giải ngân và doanh số dư nợ tại ngân hàng.

Nguyễn Cầu
;
.
.
.
.
.