Tin Tập đoàn Giáo dục quốc tế Kinderworld Singapore - Việt Nam đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng quốc tế Pegasus tại Đà Nẵng đã được UBND thành phố Đà Nẵng ký quyết định phê duyệt quy hoạch và chứng nhận đầu tư với số vốn khoảng 15 triệu USD gây cho không ít độc giả nỗi buồn vui lẫn lộn.
Theo dự án, Trường Cao đẳng quốc tế Pegasus, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường THCS và THPT và các khu ký túc xá, văn phòng, nhà ở giáo viên, bãi đỗ xe, sân bãi thể dục-thể thao... là dự án mới sau Trường Quốc tế Singapore của tập đoàn này đang hoạt động tại quận Hải Châu sẽ được xây dựng theo mô hình “Trường liên hợp”, tương tự như mô hình các trường liên hợp của tập đoàn này tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Hà Nội. Trường sẽ có quy mô từ bậc mẫu giáo đến THPT và được trang bị những cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, nhằm tạo ra môi trường học tập tốt nhất có thể cho học sinh tại Đà Nẵng và các địa bàn khác thuộc miền Trung. Với việc đào tạo sau phổ thông trung học là những chương trình đào tạo chuyên ngành như quản trị khách sạn, du lịch và ẩm thực, kinh tế và thương mại, công nghệ thông tin, ngoại ngữ... gắn kết một cách chặt chẽ với yêu cầu thực tiễn của ngành, nghề và được giảng dạy thông qua mối liên kết với các tổ chức giáo dục có uy tín trên thế giới...
Trên toàn quốc, đầu tư nước ngoài vào giáo dục tại TP. Hồ Chí Minh đến trước năm 2010 đã có đến 60 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD. Trong đó đa số thực hiện theo hình thức 100% vốn nước ngoài (3,566 tỷ USD). Tại Hà Nội, đến đầu năm 2010, đã có nhiều hình thức đầu tư, liên kết, hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực đào tạo. Một dạng là các cơ sở văn hóa giáo dục nước ngoài hoạt động để phát triển giáo dục, giao lưu văn hóa, không thu lợi nhuận. Một dạng khác là doanh nghiệp giáo dục. Thực tế, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực GD&ĐT tại Hà Nội có đến gần 100 cơ sở, trong đó được thẩm định và cấp phép hoạt động chỉ 20 cơ sở như Trường Quốc tế Hà Nội, Trung tâm Đào tạo APOLO, Công ty Language Link... Trong số những cơ sở đã có phép, 16 cơ sở có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Các cơ sở này ngoài đào tạo ngoại ngữ, quản trị kinh doanh, phần lớn là cung cấp dịch vụ giáo dục ở các bậc học từ mầm non đến THPT, sử dụng chương trình, giáo trình của nước ngoài như Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản...
Đầu tư vào giáo dục ở Việt Nam được coi là lĩnh vực siêu lợi nhuận, trái ngược với ở các nước tiên tiến. Trong lúc, chương trình giáo dục trong nước lạc hậu đã tạo tâm lý không yên tâm cho các phụ huynh. Nhiều gia đình khá giả nếu không gửi con ra nước ngoài du học tự túc thì cho vào các trường quốc tế. Trong thời buổi hội nhập và kinh tế phi tập trung hóa, đó là xu hướng tất yếu trong việc chọn lựa con đường phát triển cho con em.
Điều đó đồng thời đặt ra cho những nhà quản lý giáo dục, quản lý đất nước những suy nghĩ mang tính nguyên tắc: Phải thay đổi căn bản cả một nền giáo dục, từ triết lý đến mục đích, từ phương pháp đến nội dung; mà trong đó học sinh-sinh viên là đối tượng cốt yếu. Chỉ riêng “Đề án đổi mới giáo dục bậc phổ thông” 70 ngàn tỷ vừa qua và những ý kiến phản biện của các nhà chuyên môn đã cho thấy câu chuyện đổi mới giáo dục không hề đơn giản.
Theo GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn, ĐHQG Hà Nội: “Tôi đã được tiếp cận với đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa đầu tiên là vào năm 2002, so sánh tất cả các đầu mục thì đề án này giống hệt đề án trước, từ xây dựng chương trình đến phương pháp để học sinh tự chủ. Điểm mới duy nhất là dự trù kinh phí từ 32.000 tỷ đồng lên 70.000 tỷ đồng. Dự thảo lần thứ 13 đề án này với gần 30 trang nhưng những vấn đề cần đặt ra, cần nghiên cứu một cách nghiêm túc chưa có, trong khi đó, thông tin trong đề án chủ yếu nói tới kinh phí khiến nhiều GS ví đề án này như một “bản nháp vội”. Còn GS Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ, thì “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ là khâu then chốt chưa được lưu tâm...”.
Tại Đối thoại thường niên lần thứ 2 giữa lãnh đạo Bộ GD-ĐT và nhóm các nhà tài trợ quốc tế cho giáo dục cho thấy, đến năm 2009, tổng nguồn vốn từ nước ngoài đang được sử dụng trong các dự án giáo dục tại Việt Nam là 825,4 triệu USD. Trong những năm tới, sẽ cần khoảng 50 triệu USD để tới năm 2020, 100% trường tiểu học trên cả nước học 2 buổi/ngày. Với bậc THCS và THPT, tới năm 2004, 33 tỉnh đã có trường học 2 buổi/ngày nhưng hiện nay ở các thành phố lớn đang bị quá tải nên cần phải đầu tư mở rộng gần 10.000 trường THCS và 1.000 trường THPT, đồng thời xây dựng thêm trường mới. Trong 5 năm tới, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tìm nguồn vốn 25.200 tỷ đồng để kiên cố hóa trường lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Rõ ràng chúng ta chỉ loay hoay với việc xây dựng trường và thay đổi sách giáo khoa là đã... hết tiền, trong lúc phần quan trọng cốt tử, như theo GS Chu Hảo: Chiến lược giáo dục chưa công bố, việc cải cách giáo dục cũng không được tính đến, Bộ GD-ĐT lại triển khai xây dựng chương trình, SGK mới. Đây không khác gì chuyện “bắt cháu đẻ ra ông”.
Và, nếu vẫn tiếp tục loay hoay mãi như vậy và với mảnh đất “siêu lợi nhuận” của giáo dục hiện nay, chúng ta không chỉ “thua trên sân nhà” mà còn đứng trước nguy cơ khoán trắng những vấn đề căn bản nhất về giáo dục đạo đức, nhân cách, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ cho các “đội khách” đến đầu tư xây dựng và điều hành các trường học quốc tế ngay trên đất nước mình.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG