.

Xuống cấp!

Báo Đà Nẵng vừa có bài viết “Vì sao nhiều tuyến đường lớn xuống cấp nhanh?” nêu “Một thực trạng đáng báo động là nhiều tuyến đường lớn trên địa bàn thành phố chỉ sau một thời gian đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp, không những thế, những đoạn đường xuống cấp còn rơi vào điệp khúc cứ sửa chữa xong lại hư tiếp”.

Bài báo dẫn lời giải thích của nhiều đơn vị chức năng liên quan. Theo  CSGT các cửa ô Hòa Nhơn và Kim Liên là do “mật độ xe tải nặng lưu thông trên các trục đường này quá nhiều. Xe quá tải, lại chạy nhanh, khiến mặt đường không chịu nổi nên võng xuống. Ở một số vị trí khác, mặt đường có hiện tượng gợn sóng nhấp nhô là do xe tải chạy quá nhanh, khi hãm phanh đột ngột tạo nên lực đẩy dồn nhựa mặt đường lại, tạo thành những nếp nhấp nhô...”.
 
Một kỹ sư thuộc Hội KHKT cầu đường lại giải thích: “Đặc điểm chung địa chất của khu vực miền Trung, nhất là vùng trung du đồi núi đều có cấu tạo địa chất đá vôi, với hệ thống mạch nước ngầm tương đối cạn.Vì vậy, nếu thiết kế theo kiểu truyền thống là xử lý nền đất tiếp đến là lớp đá cấp phối dày khoảng 30 - 40cm, rồi thảm lớp nhựa đường dày khoảng 10-12cm là không thể chịu nổi”.
 
Các giải thích trên, theo chúng tôi là có nhiều điều không thỏa đáng, phiến diện. Cảnh sát giao thông thì đổ cho khách quan: “Việc xử lý xe quá tải rất khó khăn, vì không có thiết bị để cân trọng tải của xe mà chủ yếu là bằng quan sát trực quan nên chỉ “dám” đưa ra quyết định xử phạt trong trường hợp kết hợp nhiều lỗi khác hoặc chở vượt tải với số lượng lớn..”. Trong khi chuyên gia kỹ thuật lại chỉ đề cập đến những con đường thuộc khu vực có địa chất đặc thù của trung du và miền núi mà không hề giải thích vì sao nhiều đoạn đường đồng bằng trên quốc lộ 1A hay đường nội thị, địa chất khá ổn định, vẫn có các hiện tượng sạt lở.
 
Tôi cho rằng, giải thích của một người trong cuộc như một lái xe tải nặng đã chuyển nghề mà bài báo đã dẫn là ông L.V. B. là đáng suy ngẫm. Ông cho rằng: “Đường có làm tốt đến mấy cũng không thể chịu nổi xe tải nặng hoạt động. Hầu hết xe tải nặng ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đều gia cố thêm phần nhíp xe để tăng khả năng tải trọng của xe.
 
Vì vậy, một xe có tải trọng 25 tấn nhưng thực tế có thể chở 30-40 tấn là bình thường, do vậy đường xuống cấp là cũng... bình thường!”. Tiết lộ này, thật ra đã được chứng minh từ lâu. Báo Công an Nhân dân từng nêu: “TP. Đà Nẵng ban hành quy định mỗi chiếc xe ben chở đất phải xịt rửa 8 lần mỗi ngày để hạn chế bụi bẩn. Chính quyền huyện Hòa Vang (địa bàn có nhiều xe ben hoạt động) đã kiểm tra, xử phạt hàng chục doanh nghiệp kinh doanh vận tải với số tiền vài chục triệu đồng… thế nhưng, tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu và gây ô nhiễm môi trường của đội ngũ “hung thần xa lộ” này vẫn không hề thay đổi... Chạy quá tốc độ cho phép; cơi nới thùng xe vượt quá mức cho phép; chở quá tải trọng; sử dụng còi hơi trong khu vực nội đô; lấn vượt không đúng với quy định của Luật Giao thông đường bộ; làm rơi vãi đất đá xuống lòng đường…”.
 
Trên Báo Đà Nẵng cũng từng nêu vấn đề xe quá tải qua cầu Hòa Xuân và Phò Nam: “Xe ben chở đất qua cầu hầu hết là loại 10-15 tấn, nhưng người gác ba-ri-e đều chỉ nhìn bằng mắt, thấy xe quen, đã đăng ký và loại xe dưới 20 tấn thì cho qua cầu, dường như không quan tâm đến đống đất đầy ứ, cộm lên trên thùng xe đã che bằng bạt quá tải đến hàng tấn...”. Trạm Cảnh sát giao thông cửa ô Hòa Nhơn đã từng yêu cầu thử tải trọng của xe 12 tấn thì kết quả đã là 22 đến 29 tấn! Cầu dây văng Phò Nam thuộc xã Hòa Bắc được đưa vào sử dụng năm 2001, tải trọng khai thác là 8 tấn, có gắn cả bảng “Cầu yếu” nhưng trên thực tế vẫn có các xe ben chở đất tải trọng như trên qua cầu, tránh nhau trên cầu như cơm bữa mà không bị xử lý!

 Một lái xe ben kể với tôi rằng: “Tiền công của chủ xe khoán mỗi chuyến đúng tải là 230 ngàn đồng, nên không chạy nhanh, chở vượt tải chỉ có đói!”. Lời nói thật ấy cộng với ý kiến của tài xế L.V.B nêu trên, chắc chắn các cơ quan chức năng đều biết! Vậy là đã rõ! Cầu đường xuống cấp chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng còn có một nguyên nhân quan trọng hơn, đó là chính sự xuống cấp của ý thức tôn trọng luật pháp và trách nhiệm xã hội của mỗi công dân chúng ta.
 
Ta biết xe vượt tải trọng nhưng vì “không có cân” nên... bó tay? Ta biết xe sửa đổi thiết kế để chở được nhiều hàng hơn nhưng vẫn cho lưu hành? Ta biết chở quá tải, chạy nhanh vượt ẩu là vi phạm luật, nhưng vì áp lực “khoán sản phẩm” nên mặc kệ! Ta biết chi phí xây dựng cầu đường hàng ngàn tỷ đồng để phát triển hạ tầng đô thị hiện đại cuối cùng cũng là từ thuế của người dân, nhưng đâu bằng lợi ích trước mắt!

Để giải quyết sự xuống cấp của hạ tầng thì lấy tiền ra duy tu bảo dưỡng. Còn sự xuống cấp của nhận thức, ý thức tôn trọng luật pháp và công sản lại đâu thể khắc phục một cách đơn giản là tiền, cũng không thể kêu gọi chung chung hay mở các đợt kiểm tra theo kiểu chiến dịch! Rõ ràng là cần một sự thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt ngay từ bây giờ trong việc bố trí lực lượng thi hành pháp luật ở nhiều khâu mới mong thay đổi được tình thế.

NGUYỄN SÔNG HÀN
;
.
.
.
.
.