Thời sự và bàn luận
Phải lan tỏa đến mọi nhà, mọi người
“Năm văn hóa, văn minh đô thị” Đà Nẵng 2015 thể hiện quyết tâm chính trị của toàn thành phố, từ lãnh đạo cao nhất đến mỗi người dân, là làm sao trong một thời gian không dài, bên cạnh những nỗ lực và những thành tựu trên các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, thành phố Đà Nẵng phải hiện ra với tư cách là một thành phố văn hóa, với những công trình văn hóa có tầm, những di tích mang đậm tính văn hóa, những sự kiện văn hóa mang quy mô lớn.
Một mặt nữa là phấn đấu để những cư dân sống trên thành phố chúng ta phải là những thị dân thể hiện phong thái văn minh đô thị (VMĐT). Dĩ nhiên, ai cũng hiểu, đây là “phần nổi” của VMĐT. Cái thực chất của nó chính là cái đã tiềm ẩn từ lâu trong truyền thống con người Đà Nẵng.
Những mặt tốt - có rất nhiều nếp sống tốt của người Đà Nẵng - cần phải được phát huy. Mặt hạn chế, lạc hậu, phi văn hóa, phản văn hóa VMĐT phải được loại bỏ kiên quyết. Cho nên, nói chuyện một năm (Năm văn hóa VMĐT), nhưng thực ra là nói chuyện lâu dài, có điều, đây là thời điểm mang “cú hích”, là điểm nhấn cho một truyền thống, một phong trào quần chúng.
Đây không phải là lần đầu chúng ta nêu tiêu chí xây dựng văn hóa VMĐT của Đà Nẵng. Một trong 3 tiêu chí của Chương trình “3 có” đề ra cách đây 10 năm đã đặt ra nội dung này. Theo đó, thành phố chúng ta đã có rất nhiều giải pháp kiên trì xây dựng nếp sống VMĐT.
Một số thói quen xấu đã bị loại trừ khỏi đời sống hằng ngày. Tuy nhiên phải nhận rằng, nhiều nét đẹp của lối sống đô thị vẫn chưa thành nếp sống, chưa đều khắp ở mọi người, mọi nơi, chưa trở thành ý thức tự giác ở mọi thời điểm.
Rõ nhất là tình trạng lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, thói quen đi ngược chiều và vượt đèn đỏ khi lưu thông. Có thể kể thêm rất nhiều hành vi phổ biến khác như thói quen vứt rác, vứt súc vật chết bừa bãi ra đường, thậm chí vứt sang nhà hàng xóm, miễn là trước nhà mình luôn sạch; hành vi lấn chiếm lòng lề đường; thói quen mặc áo may-ô hở nách phóng xe dạo phố,... Những kiểu thái độ, hành vi như vậy không thể có ở một đô thị văn minh.
Tại nhiều hội nghị, hội thảo của các cấp lãnh đạo, quản lý cũng như các chuyên gia, các nhà nghiên cứu văn hóa, rất nhiều biện pháp đã được đề xuất, hiến kế. Trong buổi hội thảo ngày 19-1-2015 vừa qua do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, khi đề cập đến công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền cho “Năm văn hóa VMĐT”, nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm đến biện pháp tuyên truyền bằng thuyết phục, nêu gương, và phát huy thế mạnh của công tác tuyên truyền miệng nhằm tạo chuyển biến về nhận thức và hành vi cho toàn bộ cộng đồng dân cư Đà Nẵng.
Tất nhiên, song song với đó vẫn phải có biện pháp hành chính, xử phạt nặng hơn để đủ tính răn đe, giữ kỷ cương đô thị. Một khi ý thức tự giác chưa cao, cố tình vi phạm, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thành phố thì vẫn cần có chế tài xử phạt thích đáng. Chính ở những đô thị văn minh thì mức xử phạt càng phải nặng. Tuy nhiên, một mặt khác, có thể nói hình như chúng ta vẫn chưa tận dụng hết các hình thức tuyên truyền giáo dục, ngay từ cộng đồng nhỏ như nhóm gia đình, tổ dân phố, thậm chí trong từng gia đình...
Khi tất cả đều chấp hành nghiêm hiệu lệnh dừng trước đèn đỏ, thì riêng việc “làm gương” đó lâu dần sẽ khiến cho những người vi phạm sẽ cảm thấy xấu hổ, đơn độc. Một lần không thấy, nhiều lần sẽ ngộ ra. Trong mỗi gia đình, bố mẹ, ông bà phải làm gương cho con trẻ. Về công tác tuyên truyền miệng, đây là một lợi thế của chúng ta lâu nay, cần tiếp tục phát huy. Người cán bộ tuyên truyền phải đến với từng thôn xóm, từng khu dân cư, chung cư, từng hẻm kiệt để tuyên truyền vận động, chứ không phải chỉ thỏa mãn với những cuộc tập hợp đông người, những mít-tinh hoành tráng.
Phải đưa tất cả những quy định cụ thể, chi tiết của nếp sống VMĐT vào buổi họp tổ dân phố, chỉ ra những hành vi thiếu văn minh của từng hộ, từng người cụ thể để yêu cầu khắc phục. Một lần họp chưa thông thì nhiều lần; rồi từ người đại diện hộ lan tỏa đến từng thành viên gia đình, nhất là lớp thanh thiếu niên. Bởi vì, không ít đối tượng hung hăng, ngổ ngáo trên đường phố lại là những thanh niên không sinh hoạt trong các tổ chức thanh niên và cũng chẳng bao giờ họp tổ dân phố.
Mặc dù ngành giáo dục và các bậc học của nhà trường đã có nội dung giáo dục nội khóa, ngoại khóa rất kỹ lưỡng, nhưng cũng không ít đối tượng thanh thiếu niên không còn ngồi trên ghế nhà trường. Lúc này rất cần sự vào cuộc của Đoàn - Hội thanh niên. Có cả vai trò quan trọng của công an khu vực. Phương thức tuyên truyền miệng, từ nhận thức đến nhận thức, từ tình cảm đến tình cảm, từ hành vi đến hành vi vẫn luôn có giá trị thực tiễn hữu hiệu.
Kinh nghiệm đã có rồi: vì sao chủ trương đội mũ bảo hiểm đạt thành công? Cũng là nhờ kết hợp các biện pháp. Lúc đầu cũng có nhiều cách đối phó để qua mặt nhà chức trách, nhưng bây giờ, có thể nói, nề nếp đội mũ bảo hiểm đã thành một thói quen tự giác, tự nguyện. Vậy thì, với các quy định cụ thể về văn hóa giao thông, văn minh đường phố cũng cần có các biện pháp như vậy.
Để “Năm văn hóa VMĐT” đạt hiệu quả mong muốn, công tác tuyên truyền phải đến được với mọi người, mọi nhà, đúng như tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã đề ra: “làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người”.
NẠI HIÊN