Thời sự và bàn luận

Phố chuyên doanh

07:55, 30/12/2014 (GMT+7)

Vào ngày cuối cùng của năm 2014 này, phố chuyên doanh thời trang trên đường Lê Duẩn và phố điểm tâm đường Huỳnh Thúc Kháng (quận Hải Châu) chính thức đi vào hoạt động trong sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn của người dân thành phố và du khách.

Theo lẽ thường, chính quyền địa phương hoặc một ngành liên quan tổ chức lễ khai trương hoành tráng để thu hút sự quan tâm, tham gia đông đảo của người dân đến tham quan, mua sắm. Tuy nhiên, trong ngày này, không tổ chức lễ khai trương tại một tụ điểm như vậy, người dân sẽ đồng loạt tổ chức khai trương hai phố chuyên doanh ngay tại cơ sở kinh doanh của mình. Đây là điều rất độc đáo, gây sự ngạc nhiên và đáng chú ý, đồng thời cũng là một thay đổi tích cực trong tư duy hướng đến vai trò chủ thể của các hộ kinh doanh - yếu tố cốt lõi và căn bản trong việc xây dựng thành công phố chuyên doanh.

Đà Nẵng đã từng hai lần tổ chức khu chợ đêm trên tuyến đường Hùng Vương và đường Nguyễn Thái Học với sự đầu tư và kỳ vọng rất lớn. Tuy nhiên, cả hai khu chợ đêm này đều hoạt động không được bao lâu thì tự “biến mất”. Nguyên nhân thất bại đã được phân tích và đúc rút bài học kinh nghiệm; từ đó xúc tiến xây dựng hai phố chuyên doanh mới. Phương pháp xây dựng phố chuyên doanh chính là giải bài toán về vai trò chủ thể- đó chính là người dân.

Ở thời điểm ban đầu, các hộ kinh doanh khi nghe thành phố và quận Hải Châu xây dựng phố chuyên doanh, hầu hết đều hưởng ứng nhiệt tình bởi sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho họ kinh doanh tốt hơn. Đây cũng là lẽ thường, nhưng sau thời điểm ban đầu hào hứng ấy, khi được phổ biến trách nhiệm liên quan như đầu tư trang trí, nâng cấp cơ sở kinh doanh, bổ sung thêm kệ hàng, thực hiện văn minh thương mại… thì nhiều hộ không thực hiện.

Quá trình gặp gỡ, vận động, tuyên truyền, giải thích của các ngành chức năng và chính quyền địa phương rất vất vả để người dân hiểu ra vấn đề, thay đổi tư duy về sự hỗ trợ “truyền thống” của Nhà nước và để người dân chủ động giải bài toán làm thế nào để thu hút khách hàng, tạo doanh thu cao hơn, rồi từ đó góp sức cho xây dựng và phát triển khu phố.

Thật không dễ để các hộ kinh doanh thời trang trên đường Lê Duẩn bỏ ra hàng chục triệu đồng ốp aluminium ở trước cửa hiệu, sơn sửa, nâng cấp cửa hiệu và mua thêm kệ, máy tính tiền, bổ sung thêm hàng hóa… hoặc mua thêm bàn ghế, đóng thêm tủ gương đựng thức ăn, thay mới mặt bàn cũ bằng inox cho hợp vệ sinh đối với các hộ kinh doanh điểm tâm trên đường Huỳnh Thúc Kháng.

Đây là bài toán đầu tư kinh doanh hẳn hoi và các hộ kinh doanh sẽ phải tự có chiến lược, kế hoạch kinh doanh bài bản để thu hồi vốn đầu tư và kinh doanh có lãi, bên cạnh sự hỗ trợ về mặt quản lý, chuyên môn, kích cầu của các ngành chức năng và chính quyền địa phương. Tín hiệu đáng mừng là người dân hiểu ra vấn đề và trở thành nhân tố cốt lõi xây dựng phố chuyên doanh.

Trong việc xây dựng hai phố chuyên doanh này, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để người dân hiểu rõ chính họ là chủ thể xây dựng, đưa phố chuyên doanh phát triển khởi sắc, lâu dài.

Có nhiều cán bộ đã hòa mình vào từng cửa hàng, cơ sở kinh doanh để cùng lập kế hoạch kinh doanh, tính toán, chia sẻ và giải những bài toán khó về kinh doanh với các hộ. Điều đó thể hiện sự đồng thuận giữa chủ trương, chính sách của thành phố với người dân một cách cụ thể, thiết thực, tạo sự cộng hưởng trong sự phát triển kinh tế-xã hội. Đây là những kinh nghiệm, bài học quý để xây dựng các phố chuyên doanh tiếp theo, xứng đáng với mong đợi của người dân trong việc góp phần xây dựng thành phố giàu đẹp, văn minh.

HẢI THƯ

.