Thời sự và bàn luận
Kiểm soát giá cả độc quyền
Kinh tế Việt Nam trên thực tế vẫn chưa thể vận hành đầy đủ theo cơ chế thị trường bởi còn nhiều yếu tố độc quyền chi phối, trong đó chủ yếu 2 hình thức: độc quyền Nhà nước/ độc quyền doanh nghiệp do Nhà nước bảo hộ.
Có những mặt hàng thiết yếu mà đại bộ phận người dân buộc phải tiêu dùng như xăng, dầu, điện, nước, dược phẩm… ngay cả khi giá cả tăng vọt vì nhiều lý do khác nhau. Trong tình huống này, dĩ nhiên người dân không còn quyền lựa chọn, “tẩy chay” sản phẩm hoặc nhà cung cấp, phải “bấm bụng chịu đựng”…
Để phá thế độc quyền, trước tiên vai trò của Nhà nước rất quan trọng, thể hiện qua việc vận dụng các cấp độ chính sách khác nhau. (1) Cấp độ trực tiếp: Ấn định giá cả doanh nghiệp độc quyền thông qua kiểm soát đầu vào – đầu ra của quá trình kinh doanh; (2) Cấp độ trung gian: Điều tiết doanh thu/ lợi nhuận bằng chính sách thuế, phí…; (3) Cấp độ gián tiếp: Khuyến khích mạnh mẽ cơ chế cạnh tranh. Hiện nay, một số lĩnh vực như kinh doanh xăng dầu, điện, nước…, cơ quan điều hành vẫn thiên nhiều về cấp độ trực tiếp và trung gian hơn là gián tiếp.
Điều này cũng có nghĩa, các nhà quản lý vẫn đang cố bám giữ lấy quyền lực, quyền lợi của doanh nghiệp độc quyền + Nhà nước đang được ưu ái bảo vệ hơn so với quyền lợi thiết thân của người tiêu dùng.
Chính sách như vậy là đi ngược lại cơ chế cạnh tranh thị trường, sẽ gây méo mó quá trình phân bổ nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính, càng làm tăng thêm tình trạng bất bình đẳng trong sản xuất và tiêu dùng xã hội. Doanh nghiệp độc quyền không còn động lực cải cách, thay vì nỗ lực tăng năng suất, hạ giá thành, phục vụ tốt người tiêu dùng, chỉ cần vận dụng tốt mối quan hệ với cơ quan quản lý là có thể vững vàng (!).
Nếu chiếu theo diễn giải của các cơ quan điều hành thì áp lực để tăng giá độc quyền luôn lớn hơn yêu cầu giảm giá, nhưng tựu trung tất cả đều mơ hồ, không rõ ràng, thiếu công khai, minh bạch. Ví dụ, đối với các công ty điện lực, cho đến nay dư luận vẫn chưa thể tiếp cận được bất kỳ một báo cáo giải trình nào thực sự nghiêm túc và hợp lý về chi phí cấu thành nên giá điện.
Đôi khi cái cớ để tăng giá chỉ đơn thuần như kiểu “tát nước theo mưa”, tạo tình huống, hoặc chớp lấy thời cơ có lợi, đại loại như nền kinh tế đang có dấu hiệu giảm phát, tăng giá điện sẽ không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng…
Hay như trước đây, đối với xăng dầu, đôi khi lý do tăng giá chủ yếu vì “buôn lậu xăng dầu qua biên giới tràn lan” (!). Cách kinh doanh biết tôn trọng người tiêu dùng không đơn giản chỉ giảm giá mới là tốt, mà trên thực tế giá cả phải đi đôi với quyền tự do cạnh tranh và quyền lựa chọn, sự đảm bảo về chất lượng và uy tín phục vụ.
Một lập luận khác đang làm nóng dư luận: Tại sao cũng là giá cả độc quyền như xăng, dầu, mặc dù đã giảm khá mạnh nhưng giá cước vận tải không giảm theo tương ứng?
Trong tình huống này, cơ quan quản lý không thể nôn nóng hành xử theo kiểu kiểm soát chống độc quyền, hoặc áp đặt các biện pháp hành chính, mà cần thiết chỉ tiến hành các giải pháp khuyến cáo mạnh mẽ đến các công ty vận tải, kịp thời cập nhật thông tin giá cước theo hướng minh bạch, hợp lý đến người tiêu dùng để họ có quyền tự do lựa chọn.
Trên lĩnh vực vận tải đường bộ, thiết nghĩ dư địa cạnh tranh gần như đủ lớn và đủ sức thay thế cơ quan quản lý để khiến cho thị trường phải biết tự điều chỉnh về mức giá cả hợp lý. Vấn đề đáng quan ngại hơn dành cho các nhà quản lý hiện nay chính là lĩnh vực vận tải hàng không hoặc đường sắt đang tồn tại quá nhiều bế tắc chưa thể giải quyết được.
Muốn tăng cường hiệu quả kiểm soát độc quyền nói chung, giá cả độc quyền nói riêng, điều kiện tiên quyết là phải có nhãn quan chính trị hợp thời và chấp nhận đổi mới mạnh mẽ cung cách quản lý vĩ mô. Cần công khai, minh bạch lộ trình xóa bỏ độc quyền, phù hợp với nhu cầu đổi mới và hội nhập nền kinh tế, nếu không sẽ tiếp tục dung dưỡng cho những thế lực cản trở sự phát triển của đất nước.
Bản thân các doanh nghiệp nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững, cần tỉnh táo và sớm tự giải thoát mình ra khỏi ảo tưởng của “tháp ngà độc quyền”, nhận thức được cái giá phải trả để không vướng bận hoặc tự xiềng xích vào mê hồn trận của các mối quan hệ quyền lực mờ ám. Bởi lẽ trong cạnh tranh thị trường, một thực tế gần như trở thành chân lý: quyền lực của người tiêu dùng luôn là tối thượng, chỉ có điều sức mạnh này đến sớm hay muộn mà thôi.
TÂM DÂN