Thời sự và bàn luận

Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin!

07:48, 03/02/2015 (GMT+7)

Đó là câu thơ Tố Hữu viết đầu năm 1960 trong bài Ba mươi năm đời ta có Đảng. Theo cái nhìn của nhà thơ, sức mạnh vô biên đồng thời là niềm tự hào chân chính của Đảng Lao động Việt Nam - Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay - là ở muôn vạn tấm lòng cùng muôn vạn niềm tin không chỉ của đảng viên, cũng không chỉ của hai thành phần cơ bản của cách mạng là công nhân và nông dân, mà còn là của người dân Việt Nam nói chung, luôn dành cho Đảng/luôn dành cho Đảng ta.

Không có muôn vạn tấm lòng ấy và không có muôn vạn niềm tin ấy, sẽ không có những thành tựu to lớn mà Đảng đã đạt được suốt chặng đường 84 năm qua, đặc biệt Đảng sẽ không đủ sức lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Đối với Đảng bộ thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ thành phố bên sông Hàn còn là một căn cứ liên hợp quân sự khổng lồ của đối phương, là một trong ba nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của chất độc da cam, thì những tấm lòng và niềm tin của người dân sống ở nội thành, ngay trong sào huyệt của quân thù, dành cho Đảng, cho cách mạng càng có ý nghĩa quyết định.

Không có muôn vạn tấm lòng và niềm tin ấy, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng sẽ không có những đồng chí tiền bối sớm giác ngộ cách mạng từ tuổi thanh xuân, liên tục tham gia công tác trên dưới nửa thế kỷ, chịu nhiều gian khổ khó nhọc và có đóng góp lớn lao suốt hai cuộc kháng chiến của dân tộc; sẽ không có những người đứng mũi chịu sào, luôn xông pha đi đầu đấu tranh chính trị; sẽ không có những chiến sĩ biệt động với lối đánh táo bạo ngang dọc tung hoành trên đường phố; sẽ không có những chiến sĩ đặc công chuyên đánh lớn, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh…

Không có muôn vạn tấm lòng và niềm tin ấy, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng sẽ không có những bà mẹ được hay chưa được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng từng bao lần dắt tay con mình dứt ruột đẻ ra trao cho cách mạng; sẽ không có những gia đình cơ sở bất chấp hiểm nguy rình rập vẫn bí mật đào hầm nuôi giấu cán bộ, cất giấu vũ khí; nhất là sẽ không có những nhân sĩ trí thức yêu nước, những bậc tu hành, những bác lái xe, những anh thợ máy, những chị tiểu thương, nói chung là những bà con lao động lam lũ làm ăn, những sinh viên học sinh còn cắp sách đến trường... tất cả đang sống trong vùng địch tạm chiếm mà vẫn luôn hướng về cách mạng, có thiện cảm với cách mạng, nhiệt tình hưởng ứng các cuộc vận động xuống đường sôi sục đấu tranh chính trị trên khắp phố phường Đà Nẵng, thậm chí chỉ cốt giữ mình lương thiện trong cái xã hội Mỹ hóa như một cách đóng góp vào đại cuộc...

Năm 2012, người viết bài này được cử đi học lớp Bồi dưỡng Kiến thức Quốc phòng - An ninh khóa 46 tại Học viện Quốc phòng và lấy làm tâm đắc với mẩu đối thoại giữa Trung tướng, PGS.TS Trần Thái Bình - giảng viên của lớp và một học viên khóa trước: Hỏi rằng nếu có chiến tranh xảy ra, bộ đội các ông có đánh thắng được không?

Trả lời rằng nếu hỏi bộ đội các ông có đánh thắng được không thì có thể nói không thể, nhưng nếu hỏi chúng ta có đánh thắng được không thì có thể khẳng định là nhất định đánh thắng. Câu trả lời đã chạm đúng ngón tay vào vấn đề cốt lõi nhất của thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc: vai trò cực kỳ quan trọng của thế trận lòng dân. Nhờ có những tấm lòng và niềm tin dành cho Đảng, cho cách mạng nên trong chiến tranh giải phóng dân tộc, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã hình thành được cả hai tư thế: thế đứng trên đầu thù - ta không hiếu chiến nhưng rất thiện chiến - và thế đứng giữa lòng dân.

Còn nhớ trong Diễn văn kỷ niệm 35 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy đã khẳng định: “Cái được lớn nhất của Đà Nẵng trong thời gian qua là được lòng dân” và nhấn mạnh: “Chính lòng dân ấy, chính sự đồng thuận ấy là nguồn lực mạnh mẽ ủng hộ, cổ vũ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Bài học tin ở dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân là bài học đầu tiên và muôn thuở, là bài học mọi lúc, mọi nơi. Đây cũng chính là bài học lớn và sâu sắc nhất của chúng ta trong suốt chặng đường vừa qua”.

Có điều chúng ta cần nhớ rằng, từ được lòng dân đến đứng giữa lòng dân là cả một khoảng cách rất dài. Rõ ràng muốn đưa thành phố phấn đấu vươn lên trở thành thành phố đáng sống, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng ngày nay cần tiếp tục đề ra những chủ trương, chính sách được lòng dân, gầy dựng lại niềm tin của dân đối với Đảng bằng những việc làm thật sự vì dân, thượng tôn pháp luật, có tầm nhìn xa rộng, có cách nghĩ thấu đáo nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của địa phương mình cũng như của cả nước. Có  vậy câu thơ Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin Tố Hữu viết từ nửa thế kỷ trước mới thật sự vang ngân khi mùa xuân này Đảng ta bước sang tuổi 85…

BÙI VĂN TIẾNG

.