Thời sự và bàn luận
Thưởng nóng và phạt nặng
Quận Hải Châu vừa quyết định thưởng nóng cho cá nhân, tổ chức khi báo tin phát hiện vi phạm và xử phạt nặng các trường hợp vi phạm các nội dung của “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”.
Mỗi thông tin cung cấp cho đường dây nóng (số điện thoại dễ nhớ) của quận được xác minh là có thật, sẽ đề xuất UBND quận thưởng nóng 200.000 đồng. Đó là thông tin phát hiện những hành vi vi phạm các nội dung quy định tại Chỉ thị số 43-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, nhất là các nhóm hành vi: quảng cáo, rao vặt trái phép; lang thang xin ăn hoặc ăn xin trá hình, biến tướng; đeo bám, chèo kéo khách du lịch; đổ giá hạ, xà bần tại các khu đất trống…; khuyến khích tổ chức, cá nhân phát hiện vận động nhiều người khác cùng tạm giữ đối tượng và tang vật vi phạm.
Đồng thời, quận cũng quyết định xử phạt các trường hợp vi phạm theo các quy định hiện hành và không ngần ngại áp dụng hết khung hình phạt nhằm răn đe và không tái phạm. Ngoài thưởng 200.000 đồng/tin báo, quận cũng áp dụng các hình thức khen thưởng khác tùy theo tính chất, mức độ xử lý.
Bên cạnh vận động các tầng lớp xã hội thực hiện tốt các nội dung của “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, rõ ràng việc áp dụng chủ trương này là cần thiết. Chủ trương này được đưa ra ngay sau Tết Nguyên đán một phần xuất phát từ những bức xúc với nhiều hành vi mất văn hóa, văn minh đô thị diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Không bức xúc sao được khi các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền và nhắc nhở, chấn chỉnh, nhưng nhiều hành vi mất văn hóa, văn minh đô thị vẫn cứ xuất hiện giữa nơi công cộng…
Điển hình như việc tự ý nâng giá xe cao hơn quy định tại nhiều điểm du xuân, vui chơi, giải trí. Các đơn vị chức năng đã tuyên truyền, nhắc nhở giá giữ xe không quá 3.000 đồng/xe vào dịp lễ hội theo quy định của thành phố, nhưng nhiều điểm giữ xe vẫn thu từ 10.000 - 20.000 đồng/xe. Khi bị bắt quả tang tự ý nâng giá vé giữ xe máy tại trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm, được thông báo sẽ bị xử phạt hành chính 5 triệu đồng, rồi nâng lên 7,5 triệu đồng, hộ bà Huỳnh Thị Kim Liên (trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) vẫn coi như không, càng chứng tỏ số tiền thu được từ việc nâng giá vé giữ xe trong những ngày Tết là rất lớn.
Cuối cùng, UBND quận Hải Châu quyết định xử phạt nặng theo khoản 2, Điều 8, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ (Phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định) với mức phạt 22,5 triệu đồng và buộc bà phải nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền chênh lệch từ việc thu tăng phí giữ xe.
Quyết định xử phạt này của quận Hải Châu không chỉ ngay lập tức răn đe, chấn chỉnh được tình trạng nâng giá vé giữ xe ở một số bãi giữ xe khác, mà còn giữ vững niềm tin của nhân dân về trật tự, kỷ cương xã hội và phấn khởi, đồng thuận thực hiện tốt “Năm văn hóa, văn minh đô thị”. Rõ ràng, với nhiều hành vi mất văn hóa, văn minh đô thị, việc vận động, tuyên truyền, nhắc nhở “suông” là chưa đủ mà phải cần đi kèm với chế tài mạnh và không ngần ngại áp dụng hết khung hình phạt.
Điều cần kíp bây giờ là các cơ quan chức năng cần sớm soạn thảo văn bản, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho các địa phương và lực lượng chức năng về quy trình, mức độ xử phạt khi vi phạm các hành vi mất văn hóa, văn minh đô thị vốn đã được quy định tại nhiều văn bản pháp quy của Trung ương và thành phố để kịp thời, thuận tiện trong xử lý, xử phạt.
Bên cạnh đó, cũng cần soạn thảo, lấy ý kiến rộng rãi và tổ chức triển khai những điều nên làm, không nên làm kèm mức độ xử phạt phù hợp với từng đối tượng và tổ chức; cùng với đó là tuyên dương, khen thưởng những việc làm tốt, những tố giác về hành vi sai trái.
Có như vậy, mỗi người dân, cán bộ, công chức, viên chức… mới thấy rõ trách nhiệm của bản thân mình với “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, với cộng đồng.
HOÀNG HIỆP