Thời sự và bàn luận

Nghịch lý khó chấp nhận

07:46, 22/04/2015 (GMT+7)

Trong suốt những ngày tháng 3 và tháng 4 lịch sử này, có thể nói, Đà Nẵng giống như một đại công trường hối hả, khẩn trương.

Ở đâu, thời điểm nào trong ngày cũng có thể nghe “hơi thở” của Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2015 (DIFC 2015) rộn rã, thúc giục.

Từ những ngày cuối tháng 3, công việc lắp đặt khán đài với 32.000 chỗ ngồi bên bờ đông sông Hàn đã được tiến hành. Bất kể nắng, mưa, mỗi ngày trên 50 công nhân tất bật chạy đua với thời gian để hoàn thành trước ngày khai diễn cuộc thi. Dọc theo tuyến đường Trần Hưng Đạo - không gian chính dành cho khán giả thưởng ngoạn những màn pháo hoa độc đáo, khối lượng công việc cực lớn cũng đã được thực hiện.

Ngành viễn thông đã khởi động việc lắp đặt hệ thống trạm phát sóng, bảo đảm thông tin thông suốt trong những ngày diễn ra “đại tiệc” âm thanh và ánh sáng trên sông Hàn. Ngành điện lực cũng hối hả kéo dây, lắp thêm thiết bị điện không những đủ phục vụ cho cuộc thi mà còn sẵn sàng cho trường hợp dự phòng.

Rồi ngành xây dựng, giao thông, vệ sinh môi trường... tất cả cũng nhập cuộc với quyết tâm cao nhất là bảo đảm cho DIFC 2015 diễn ra trọn vẹn nhất để phục vụ người dân thành phố và du khách khắp nơi đến Đà Nẵng trong dịp này. Âm thầm hơn, cũng không kém phần vất vả là lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn cho cuộc thi, từ những ngày giữa tháng 4 này cũng đã cắm chốt 24/24 để bảo vệ vị trí cho các đội tập kết pháo hoa...

Để có được công việc giai đoạn nước rút khổng lồ này, trước đó cả năm trời, hàng trăm cán bộ, nhân viên các sở, ban, ngành của thành phố và địa phương đã khởi động công việc cho cuộc thi như: tìm tòi, chọn lọc các đội pháo hoa tên tuổi trên thế giới, rồi gửi thư mời, liên lạc trao đổi... với hàng trăm công việc có tên,  không tên để có được sự hiện diện của các đội pháo hoa quốc tế đặt chân đến Đà Nẵng.

Nói chung là “cả một núi” công việc thành phố phải làm và cố gắng làm tốt nhất có thể để biến DIFC thành sự kiện độc đáo trên thế giới, và không ngoài mục đích là quảng bá, để biến Đà Nẵng trở thành “thỏi nam châm” thu hút du khách trên khắp thế giới.

Hẳn nhiên, khi khách đến thì các ngành dịch vụ, trong đó du lịch của thành phố chính là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. Điều này từng diễn ra các lần trước và lần này cũng không là ngoại lệ khi trước ngày cuộc thi diễn ra cả tháng trời, hầu hết khách sạn đều thông báo “hết phòng”.

Mặc dù thành phố đã triển khai nhiều biện pháp từ tuyên truyền, vận động, đến xử lý nghiêm các trường hợp tranh thủ “chặt chém” du khách, thế nhưng năm nào cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh” theo kiểu “tranh thủ”. Năm nay mặc dù cuộc thi chưa diễn ra nhưng trước đó cả tháng, việc đặt được phòng khách sạn, nhất là tại những khách sạn đắc địa để có thể thuận lợi thưởng ngoạn pháo hoa là điều không hề đơn giản, và hầu hết đều phải trả tiền phòng cao hơn bình thường. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý những “con sâu này” là điều không đơn giản.

Thay vì thực hiện tốt chủ trương của thành phố để giữ khách cho những lần sau nữa, thì một số khách sạn tìm ra lắm chiêu trò để qua mắt cơ quan chức năng. Phổ biến nhất vẫn là hình thức “hai giá”, tức một giá niêm yết công khai để đối phó với các cơ quan chức năng, nhưng kỳ thực để có được phòng thì du khách buộc phải chấp nhận đóng thêm khoản tiền “ngoài sổ sách”.

Một số khách sạn khác thì chỉ chấp nhận hành khách đăng ký ở từ 4 ngày trở lên, còn nếu không thì “hết phòng”... Nói chung là đủ kiểu “sáng tạo”; miễn sao tranh thủ tăng giá phòng, còn lại thì mặc kệ (!?). Bên cạnh đó là việc vé xem DIFC vẫn có ở “chợ đen” với giá cao, làm du khách và cả người dân thành phố cùng chịu thiệt thòi trong việc sở hữu một chỗ ngồi thưởng thức pháo hoa trọn vẹn, xứng đáng với công sức bỏ ra chuẩn bị của cả thành phố trong một thời gian dài như vậy.

Để có một  du khách đến với Đà Nẵng trong dịp DIFC này, thì đằng sau đó là công sức của rất nhiều người, nhiều ngành, tổ chức, cá nhân và rất nhiều doanh nghiệp tài trợ. Tiếc rằng, công sức đó đã bị chính những người trực tiếp hưởng lợi “đang tâm” phá đi với tư duy kinh doanh theo kiểu “chụp giật”.
Một nghịch lý không thể chấp nhận được diễn ra suốt 6 mùa DIFC, vậy mà vẫn chưa ngăn chặn nổi!

THANH SƠN

.