Thời sự và bàn luận
Linh động sắp xếp kỳ nghỉ
...“9 ngày Tết Nguyên đán 2015, cả nước xảy ra 536 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 317 người, bị thương 509 người”; “9 ngày nghỉ Tết 2014, trên cả nước xảy ra 598 vụ TNGT, làm chết 286 người, bị thương 626 người”; “5 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5-2014: 117 người chết vì TNGT”; “6 ngày nghỉ lễ 30-4, 1-5-2015 có 162 người chết vì TNGT”...
Những con số kinh khủng kia, không biết tự bao giờ giống như “bóng ma” cứ xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng sau các dịp nghỉ lễ và Tết. Điều gì đang xảy ra với những kỳ nghỉ Tết, nghỉ lễ vốn là thời gian người dân chờ đợi nhất trong năm sau thời gian dài vất vả mưu sinh để được đoàn tụ gia đình, được đi du lịch nghỉ dưỡng, giải trí... Vậy mà rất nhiều người trong số đó đã ra đi vĩnh viễn không trở về, hoặc trở về với thương tật, tàn phế…, trở thành gánh nặng cho chính gia đình, người thân và xã hội.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở những con số “chết, bị thương” đau thương kia, mà còn vô số hệ lụy từ sau những kỳ nghỉ như vậy. Đi du lịch thì bị “chặt chém, chen, lấn, xô đẩy”; đi xe khách thì bị nhồi nhét, bị bỏ rơi trên đường; đi ăn uống thì bị ngộ độc thực phẩm; đi thưởng thức âm nhạc thì đi “nhầm” những chương trình “dỏm”... Đến nỗi, nhiều người may mắn “lành lặn” trở về sau kỳ nghỉ đã phải thốt lên rằng “sẽ không đi bất cứ nơi đâu vào những kỳ nghỉ lễ, Tết”...
Nguyên nhân của tình trạng đáng báo động này có thể nói là khá nhiều, nhưng tựu trung lại vẫn là sự quá tải ở tất cả dịch vụ. Chỉ trong thời gian ngắn, trung bình dưới 10 ngày, lượng người tham gia giao thông tăng vọt, lượng khách đi du lịch theo biểu đồ “dựng đứng”, các điểm nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí bị “phủ kín” du khách... Không riêng gì ở Việt Nam, mà với rất nhiều nước trên thế giới đều phải đau đầu giải bài toán “cung” vượt “cầu” theo kiểu “dựng đứng” như vậy được.
Hãy thử tưởng tượng, ngành vận tải hành khách với năng lực chỉ vận chuyển khoảng 10 triệu lượt hành khách/ngày, thì đến ngày lễ, lượng khách tăng gấp nhiều lần thì có thể nói sự nỗ lực giải quyết của ngành là không đem lại nhiều kết quả. Tương tự với ngành du lịch, với năng lực của một địa phương chỉ đủ sức tiếp đón, bố trí chỗ ăn, ngủ, vui chơi giải trí một vạn khách/ngày thì nay tăng lên gấp chục lần. Làm sao đây?
Rõ ràng là quá khó! Bởi ngành vận tải không thể đầu tư phương tiện đủ đáp ứng cho lượng khách tăng đột biến trong vài ngày, còn lại cả năm “đắp chiếu” phương tiện; hoặc các điểm vui chơi, tham quan không thể tăng công suất tiếp nhận lên gấp hàng chục lần nhu cầu ngày thường chỉ để tiếp đón khách trong vài ngày. Bài toán này là không khả thi.
Chính vì vậy, mới đây ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia đưa ra ý kiến là các doanh nghiệp, cơ quan nên linh động sắp xếp thời gian nghỉ cho phù hợp. Không nhất thiết là vào các ngày lễ lớn đồng loạt cho người lao động nghỉ việc, mà có thể sắp xếp họ nghỉ bù vào thời gian nào đó thích hợp với điều kiện của đơn vị mình, cũng như phù hợp với thời tiết từng vùng miền, ngay lập tức nhận được nhiều sự đồng tình của dư luận.
Dĩ nhiên ý kiến này nếu được triển khai, thì cần bàn tính thêm và được sự đồng thuận từ chính người lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đây có thể là một giải pháp “sáng” khi tai nạn xảy ra với người dân đang ở mức báo động ở các kỳ nghỉ lễ, Tết. Tất nhiên không thể sắp xếp kỳ nghỉ một cách hợp lý là không còn tai nạn, không còn phiền phức xảy ra, nhưng chí ít cũng giải quyết được cái gốc của vấn đề là “quá tải” trên mọi lĩnh vực như hiện nay.
Ở đây rất cần sự hợp tác của chính người dân, trước hết là hạn chế nạn nhậu nhẹt vô tội vạ mỗi dịp nghỉ lễ, Tết. Hoặc ứng xử một cách có văn hóa ở nơi công cộng, trước hết là những điều thật đơn giản như mua vé thì hãy sắp hàng, đến khu vui chơi thì bỏ rác vào thùng, tham gia giao thông phải đi đúng luật...
Đơn giản là vậy để những kỳ nghỉ không còn những con số đau lòng và kinh hoàng ám ảnh nữa, để không phải chịu những hệ lụy không đáng có!
THANH SƠN