Thời sự và bàn luận

Mừng hụt với… giảm giá sữa

07:57, 21/04/2015 (GMT+7)

Một thông tin được kỳ vọng là tin vui đối với đa số các gia đình ở Việt Nam là giảm giá sữa.

Thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính về việc loại bỏ chi phí quảng cáo ra khỏi giá thành sữa, 5 hãng sữa lớn đã đăng ký giảm giá 50 sản phẩm sữa với mức giảm phổ biến từ 0,4-1%, tức là phổ biến chỉ giảm… hơn 1.000 đồng/hộp sữa có giá vài trăm ngàn đồng. Dạo quanh một vòng các cửa hàng tạp hóa tại Đà Nẵng thấy giá nhiều loại sữa vẫn giữ nguyên, một số loại giảm chỉ vài ngàn đồng/hộp.

Có lần mua hàng tại một cửa hàng tạp hóa ở đường Ông Ích Khiêm, tôi chứng kiến cảnh một bà mẹ trẻ vét những đồng tiền lương cuối cùng để mua hộp sữa cho con. Chị bảo, con hay ốm đau nên dù biết giá 4 hộp sữa mỗi tháng cho hai đứa con nhỏ chiếm phần lớn khoản tiền lương công nhân nhưng cũng đành bấm bụng mà mua. Dĩ nhiên, vì thế, bữa ăn hằng ngày của hai vợ chồng chị cũng phải dè xẻn. Giá sữa tại Việt Nam lâu nay vẫn bị đẩy lên mức cao từ 400-500% so với giá gốc. Với thu nhập trung bình của một người lao động thì khoản chi tiêu này quả là lớn.

Khi được hỏi về thông tin sữa giảm giá, nhiều người tỏ ra không mấy bất ngờ. Bởi lẽ, từ tháng 6-2014, khi quyết định áp giá trần đối với mặt hàng sữa có hiệu lực, giá sữa vẫn cao ngất ngưởng. Thực tế, thời gian qua, các “ông lớn” trong kinh doanh sữa chưa hề có sự cạnh tranh nào nhằm giảm giá sữa. Thay vào đó là việc tăng cường quảng cáo “tăng chiều cao”, “giàu vi chất”… để “tung hỏa mù” đối với người tiêu dùng nhằm tăng giá.

Từ đầu năm 2015, giá sữa nguyên liệu thế giới giảm trên 50% so với cùng kỳ, kèm theo chi phí quảng cáo, khuyến mãi của sữa dành cho trẻ dưới 2 tuổi được cắt giảm… Như vậy, lẽ ra giá sữa phải giảm nhiều hơn nhưng hiện giá chưa giảm, chưa kể nhiều đơn vị còn lách luật nhằm tăng giá.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, quảng cáo chiếm khoảng 20% giá thành, nên nếu loại bỏ chi phí quảng cáo, mức giảm giá sữa tối đa tới 4% thì chưa thỏa đáng, đó là chưa tính đến yếu tố giá nguyên liệu giảm từ đầu năm 2015 và thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này cũng đã giảm từ 30% còn 7%. Đã vậy, trước những biện pháp nhằm ổn định giá mặt hàng sữa, các hãng sữa tìm cách lách luật để không thực hiện việc này. Hiện nay, trên thị trường, nhiều hãng sữa đã nhanh chóng thay đổi bao bì, mẫu mã mới, chẳng hạn như: sữa công thức các loại dành cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi, từ 6-12 tháng, từ 1-3 tuổi, từ 3 tuổi trở lên…, nay thay đổi thành 2 loại: 1-2 tuổi và từ 2-4 tuổi…

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, loại bỏ trần quảng cáo sẽ khó làm giá sữa giảm nhiều mặc dù đã có một phần chi phí cấu thành giá sữa bị loại. Ước tính, hiện cả nước có đến 200 nhà nhập khẩu, chiếm đến 80% thị trường sữa bột cho trẻ nên các hãng sữa nước ngoài đang độc quyền, “làm mưa làm gió” trên thị trường sữa. Bởi vậy, nếu muốn quản lý tốt giá sữa, phải loại bỏ sự độc quyền của những đơn vị này.

Sữa vốn là mặt hàng chịu điều tiết chung, thực hiện theo quy định chung của Luật Giá. Cơ quan chức năng không thể ra lệnh giảm giá sữa là giá sữa sẽ giảm nếu thị trường không có sự cạnh tranh theo quy luật vốn có của nó. Nếu chỉ mãi dùng những biện pháp hành chính như: bắt kê khai giá, áp giá trần… thì giá sữa sẽ rất khó xuống nhiều mà cần những biện pháp mạnh khác như: áp đảo bằng số lượng hàng hóa, hệ thống phân phối…

Thực tế, bằng những biện pháp như hiện nay, giá sữa chỉ “tạm dừng” một cách hình thức chứ chưa thực sự giảm và hàng triệu trẻ em Việt Nam vẫn chịu thiệt thòi khi phải uống sữa với giá quá cao. Sữa là nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển và ảnh hưởng đến chiều cao của giống nòi. Đừng chỉ đơn thuần nói rằng, “trẻ em tương lai thế giới ngày mai” hay “vì tương lai con em chúng ta” mà cần những biện pháp cụ thể, thiết thực hơn nhằm giảm giá sữa.

PHƯƠNG TRÀ

.