Thời sự và bàn luận

Thêm một lần được tôn vinh

07:50, 15/06/2015 (GMT+7)

Sau hơn 17 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có sự phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực: cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường...

Sự phát triển đó đã tạo được ấn tượng thực sự đối với đông đảo nhân dân trong và ngoài thành phố. Nhiều thuật ngữ thân thương dành cho Đà Nẵng: “Thành phố trẻ, năng động”, “nhiệm kỳ tốc độ”, “thành phố đáng sống”… cho thấy sự phát triển kỳ diệu của thành phố bên bờ sông Hàn này.

Trong những thành tựu nổi bật của Đà Nẵng, trước hết phải nói đến tốc độ đô thị hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, cải thiện tốt môi trường sống và làm việc; nhất là vấn đề phục hồi và nâng cao thu nhập của những người trong diện giải tỏa, di dời, tái định cư được xem là nổi bật nhất.

Bộ mặt đô thị thành phố đã có những bước thay đổi lớn, nhiều khu đô thị hiện đại hình thành, các khu nhà chồ, khu ổ chuột ở bờ Đông sông Hàn được giải tỏa, trả lại sự thông thoáng cho một sông Hàn như dải lụa xanh vắt ngang thành phố. Những hộ dân sống trong khu vực này được bố trí định cư tại các khu tái định cư mới, rộng rãi, khang trang. Lối sống văn minh đô thị được hình thành, các tập tục sinh hoạt lạc hậu dần dần bị xóa bỏ, tình trạng đói nghèo ngày càng được cải thiện, nhiều ngành nghề được đa dạng hóa góp phần tạo cơ hội cho người dân tái định cư đầu tư phát triển kinh tế.

Những thành tựu trên là kết quả của sự nỗ lực không mệt mỏi của thành phố trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy Nhà nước. Chính sự mạnh dạn áp dụng những cải tiến, phương pháp mới trong quản lý Nhà nước đã làm thay đổi bộ mặt của thành phố. Việc áp dụng cơ chế hành chính công một cửa/ một cửa liên thông/ một cửa điện tử giúp nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công cho người dân. Ngoài ra, cải cách còn chú trọng vấn đề nhân lực, trong đó đặt trọng tâm nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ làm việc của cán bộ, công chức, đồng thời đề cao bình đẳng giới trong cơ cấu cán bộ làm việc trong các tổ chức hành chính Nhà nước.

Qua thời gian dài nỗ lực, cải cách hành chính thành phố đã nâng sự hài lòng của người dân tại thành phố lên mức cao (trên 95%). Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, Đà Nẵng nhiều năm đã đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (2008, 2009, 2010, 2013, 2014); Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (dẫn đầu 6 năm liên tiếp từ 2009-2014); Chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (xếp thứ 2); Chỉ số cải cách hành chính (dẫn đầu 2 năm liên tiếp 2012, 2013).

Chính những thành quả đạt được đã ghi nhận và khẳng định nỗ lực của chính quyền thành phố nhằm xây dựng và phát triển theo định hướng phát triển bền vững. Năm 2013, thành phố Đà Nẵng trở lại vị trí dẫn đầu PCI sau hai năm tụt hạng mạnh. Đây là kết quả của những chương trình cải cách và cải tiến mà thành phố đã kiên trì, quyết tâm triển khai thực hiện, bao gồm 3 chương trình chính: Cải cách hành chính toàn diện; Chương trình “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” và giải quyết các vấn đề xã hội thông qua các Chương trình “thành phố 5 không” “thành phố 3 có” lồng ghép với các chương trình hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển.

Những chương trình, mục tiêu đề ra trên cơ sở tính toán khoa học, đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Lãnh đạo thành phố có kế hoạch triển khai cụ thể và đặc biệt, trong quá trình triển khai, những mục tiêu mà các chương trình đề ra đều được nhân dân ủng hộ và quyết tâm thực hiện với kết quả cao. Tính năng động, nhân văn của thành phố Đà Nẵng được thể hiện qua việc điều chỉnh tiêu chí theo hướng cao hơn, chăm lo cho dân nhiều hơn. Đơn cử như trong chương trình “Thành phố 5 không”, tiêu chí “không có hộ đói” ban đầu được nâng lên thành “Không có hộ nghèo theo chuẩn thành phố”; tiêu chí “Không có người mù chữ” được nâng lên “Không có học sinh bỏ học”… Dù yêu cầu chương trình nâng cao, nhưng thành phố vẫn thực hiện có hiệu quả.

Kết quả thực hiện các chương trình về cải cách hành chính, “Thành phố môi trường”, các chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có” và các chương trình lồng ghép đã tác động tích cực, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy công quyền, môi trường và cuộc sống người dân. Riêng lĩnh vực môi trường, trong những năm qua, thành phố đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế. Gần đây nhất, năm 2014, Đà Nẵng trở thành thành viên của “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu”.

Từ năm 2009, thành phố đã triển khai thực hiện Đề án giảm nghèo theo chương trình “Thành phố 5 không” và “Thành phố 3 có”. Đến năm 2015, mục tiêu không có hộ nghèo theo chuẩn thành phố cơ bản được hoàn thành nhờ vào các chính sách hỗ trợ hiệu quả của thành phố. Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội, chỉ tính đến cuối năm 2013, thành phố đã hỗ trợ xây dựng mới 223 nhà và sửa chữa 369  nhà đại đoàn kết cho người nghèo, nâng tổng số nhà đại đoàn kết xây dựng mới trong 12 năm qua là 12.505 nhà. Quỹ còn hỗ trợ cho 9.174 hộ nghèo về vốn sản xuất, 44.568 người nghèo được khám chữa bệnh và 13.708 con em hộ nghèo được hỗ trợ để tiếp tục đến trường, góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Thành tựu của chủ trương “5 xây”, “3 chống” theo tinh thần Chỉ thị 29-CT/TU đã góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, công chức, chống tình trạng quan liêu, tham nhũng trong bộ máy chính quyền. Hướng đột phá của chương trình cải cách hành chính là tăng cường động lực và năng lực làm việc cho đội ngũ công chức, cải thiện rõ rệt hiệu quả cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân và tổ chức.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý Nhà nước được triển khai ngày càng đồng bộ từ chính quyền cơ sở đến chính quyền thành phố, từng bước hình thành nên một chính quyền điện tử hiện đại, thông minh. Mạng lưới kết nối thông tin giữa các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố ngày càng mở rộng về phạm vi giữa cả ba cấp xã, huyện và thành phố.

Từ một thành phố thuộc tỉnh, sau khi trở thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có sự bứt phá mạnh mẽ, thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đến Đà Nẵng tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Nhiều chương trình của Đà Nẵng được các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao, như Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá cải cách hành chính do Đà Nẵng nghiên cứu triển khai đã được Bộ Nội vụ tham khảo trong quá trình xây dựng bộ chỉ số đánh giá, theo dõi cải cách hành chính ở cấp tỉnh.

Mô hình đánh giá kết quả làm việc dành cho công chức cũng được Bộ Nội vụ đánh giá cao về tính đột phá và sự phù hợp trong việc cụ thể hóa các quy định của Luật Cán bộ. Kết quả thí điểm và triển khai mô hình tại thành phố Đà Nẵng là một cơ sở tham khảo quan trọng của bộ trong quá trình soạn thảo thông tư, hướng dẫn đánh giá kết quả làm việc gắn với đánh giá, phân loại công chức hằng năm. Với chương trình “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tham khảo từ bộ tiêu chí đánh giá đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” mà Đà Nẵng đang thực hiện để xây dựng bộ chỉ số đánh giá nỗ lực bảo vệ môi trường của các địa phương ở Việt Nam.

Việc tạp chí The Financial Times và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đồng công nhận Đà Nẵng là một trong 7 thành phố trên thế giới là “Thành phố xuất sắc trong chuyển đổi” vì vậy tiếp tục là sự ghi nhận nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân thành phố xây dựng một Đà Nẵng thành “một đô thị văn minh, hiện đại, một thành phố an bình, đáng sống”.

QUÝ LÂM

.