Trong diễn văn bế mạc Đại hội XII của Đảng vào sáng hôm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Đại hội “vui mừng báo cáo với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân rằng: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công rất tốt đẹp”.
Được như vậy là nhờ Đại hội lần này đã thể hiện rõ sức mạnh của tinh thần đoàn kết - dân chủ - kỷ cương - đổi mới. Có thể nói nhờ đoàn kết nội bộ, nhờ phát huy dân chủ và nhất là nhờ đề cao kỷ cương thể hiện qua Quy chế bầu cử của Đại hội, mà Đảng ta đã tiến hành chuyển giao quyền lực trong Đảng một cách ngoạn mục, giữ vững sự ổn định chính trị của đất nước.
Không phải ngẫu nhiên mà trong diễn văn bế mạc Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tại Đại hội XII của Đảng, nhiều đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI còn sức khỏe, đầy nhiệt huyết và kinh nghiệm công tác song đã gương mẫu, không ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, tạo điều kiện để trẻ hóa, bổ sung lực lượng mới vào cơ quan lãnh đạo của Đảng trong nhiệm kỳ mới.
Đó là một nghĩa cử cao đẹp, đầy trách nhiệm”. Đầy trách nhiệm ở đây trước hết được hiểu là đầy trách nhiệm với kỷ cương của Đại hội quy định rõ việc tự ứng cử, đề cử, nhận đề cử tại Đại hội.
Vấn đề trẻ hóa, bổ sung lực lượng mới vào cơ quan lãnh đạo của Đảng trong nhiệm kỳ mới thực ra đã được Đảng ta quan tâm từ Đại hội X, khi phục hồi lại việc bầu ủy viên trung ương dự khuyết. Những gương mặt trẻ thuộc thế hệ 7x trong Ban Chấp hành Trung ương lần này như Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Thanh Nghị… đều là Ủy viên Trung ương dự khuyết được bầu tại Đại hội XI, hay thậm chí trong Bộ Chính trị lần này như Võ Văn Thưởng là Ủy viên Trung ương dự khuyết được bầu tại Đại hội X và cũng ngay giữa nhiệm kỳ Đại hội X đã sớm được bầu làm Ủy viên Trung ương chính thức.
Có thể xem đây là chủ trương đột phá trong công tác cán bộ của Đảng khởi đầu từ Đại hội X, cần được tiếp tục đẩy mạnh trong các kỳ Đại hội tiếp theo của Đảng. Đương nhiên trẻ hóa Ban Chấp hành Trung ương, trẻ hóa Bộ Chính trị/Ban Bí thư không chỉ đơn thuần là cơ cấu ngày càng nhiều những nhân sự ít tuổi, bởi sức trẻ không chỉ bùng cháy ở những người thuộc thế hệ 7x mà còn có thể bùng cháy ở những người thuộc thế hệ trước 6x, 5x, bởi Đảng ta và dân tộc ta rất cần những người trẻ trung năng động trong cách nghĩ cách làm, luôn có ý tưởng sáng tạo và tư duy đổi mới - mà những phẩm chất này chắc không phải là đặc sản của riêng những người ít tuổi.
Chính vì vậy khi nói Ban Chấp hành Trung ương khóa XII được trẻ hóa, cần hiểu rằng sự trẻ hóa không dừng lại ở những ủy viên trung ương chính thức và dự khuyết sinh trong thập niên 70 của thế kỷ trước, mà còn mở rộng đến nhiều đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI còn sức khỏe, đầy nhiệt huyết và kinh nghiệm công tác - theo cách nói của Tổng Bí thư - vẫn còn điều kiện tiếp tục tham gia khóa XII.
Và nhờ có một sức trẻ bùng cháy ở nhiều thế hệ như vậy mà Đại hội lần này mới thể hiện một đòi hỏi còn hệ trọng hơn ba đòi hỏi đoàn kết - dân chủ - kỷ cương, đó là đổi mới.
Chính do xuất phát từ đòi hỏi đổi mới mà nhiều đại biểu Đại hội đã rất tâm đắc với tham luận đầy tâm huyết và trí tuệ có nhan đề “Đẩy mạnh cải cách thể chế hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong đó có đoạn: “trong giai đoạn tới, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế là một yêu cầu hết sức cấp bách.
Đảng là người lãnh đạo cao nhất của đất nước, cần chủ động và nghiêm khắc đánh giá lại chính mình và thực hiện nghiêm chỉnh những nghị quyết mà Đại hội Đảng toàn quốc đã xác định; kiên quyết đổi mới cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị để hoạt động có hiệu quả hơn, thực chất hơn.
Đây là nhân tố tiên quyết, quan trọng nhất cho quá trình đổi mới tiếp theo. Làm tốt điều này, Đảng sẽ lấy lại niềm tin trong nhân dân bằng tấm gương tự đổi mới và sự lãnh đạo hiệu quả của mình đối với đất nước và dân tộc”.
Với một Ban Chấp hành Trung ương trẻ trung năng động vừa được bầu tại Đại hội XII, chúng ta có quyền hy vọng rằng nhất định “Đảng sẽ lấy lại niềm tin trong nhân dân bằng tấm gương tự đổi mới và sự lãnh đạo hiệu quả của mình đối với đất nước và dân tộc” đúng như người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.
Đọc Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại phiên khai mạc Đại hội XII của Đảng sáng 21 tháng 1 vừa qua, có thể thấy thêm một điểm sáng góp phần làm nên thành công rất tốt đẹp của Đại hội, đó là việc chọn lọc tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân để bổ sung chỉnh lý đối với nhiều nội dung nêu trong dự thảo các văn kiện.
Đơn cử như khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá rằng: “Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hòa bình, ổn định”, có thể thấy rõ thái độ tiếp thu nghiêm túc của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, bởi so với nội dung được dự thảo ban đầu: “Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, hòa bình, ổn định được giữ vững để phát triển đất nước”, đánh giá chính thức của Tổng Bí thư tại Đại hội phù hợp hơn với thực tế của đất nước ta hiện nay.
Có thể nói quan điểm “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hòa bình, ổn định” được Tổng Bí thư nêu lên tại diễn đàn Đại hội XII nhất định sẽ trở thành mệnh lệnh của trí tuệ và lương tâm Việt Nam trước một Biển Đông đang từng ngày nổi sóng.
Đảng ta và dân tộc ta rất cần những người trẻ trung năng động trong cách nghĩ cách làm, luôn có ý tưởng sáng tạo và tư duy đổi mới, càng cần hơn những người có tầm nhìn hướng biển và tư duy Vọng Hải đài.
Từng là một đại biểu chính thức được tham dự Đại hội XI của Đảng, cũng là người suốt hai mươi năm làm công tác tổ chức xây dựng Đảng, tôi rất quan tâm theo dõi toàn bộ tiến trình của Đại hội XII, thật sự vui mừng trước thành công rất tốt đẹp của Đại hội và luôn kỳ vọng Nghị quyết Đại hội được sinh thành từ cuộc sống và sẽ nhanh chóng trở lại với cuộc sống, tác động tích cực vào cuộc sống, góp phần “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”, “nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới” đúng như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong diễn văn bế mạc Đại hội.
BÙI VĂN TIẾNG