Thời sự và bàn luận

Sáng mãi chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do"

07:46, 31/08/2017 (GMT+7)

Kết thúc bản Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình sáng ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “… Chúng tôi, lâm thời chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tuyên bố hùng hồn này đã kế thừa khí phách hào sảng của một bài thơ tứ tuyệt được xem là Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của nước ta - bài Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Không phải ngẫu nhiên mà khi đến thăm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam vào năm 1973, mới nghe phiên dịch đọc câu thơ đầu, Henry Kissinger đã nói luôn: “Điều 1, khoản 1, Hiệp định Paris”. Cảm nhận của một người trong cuộc như Henry Kissinger rất đúng bởi Điều 1, khoản 1, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam nêu rõ: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Genève năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”.

Hơn hai mươi năm sau buổi sáng Ba Đình rực nắng ấy, trước khả năng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể còn lan rộng và vô cùng ác liệt, để khẳng định quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam, ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi trong đó một lần nữa thể hiện tinh thần cơ bản của Tuyên ngôn độc lập năm 1945: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Không có gì quý hơn độc lập, tự do nên người Việt Nam mới “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập” (Tuyên ngôn độc lập năm 1945), nên “chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song người Việt Nam quyết không sợ” (Lời kêu gọi của Bác Hồ ngày 17-7-1966).

Rõ ràng độc lập, tự do mà chúng ta có được ngày hôm nay là nhờ quyết tâm chính trị mạnh mẽ xuất phát từ chân lý ngời sáng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; và sẽ là có tội với sự hy sinh xương máu của hàng triệu đồng bào trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc nếu ngày hôm nay chúng ta không kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, không kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, không nhớ rằng quần đảo Hoàng Sa vẫn đang bị nước ngoài chiếm đóng trái phép hơn bốn chục năm qua…

Tiêu ngữ đi liền với quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước đây và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay bao gồm ba thành tố: độc lập, tự do và hạnh phúc. Đây là ba cạnh của cùng một tam giác đều, là ba bộ phận của cùng một chỉnh thể.

Không phải ngẫu nhiên mà chỉ một tháng rưỡi sau ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong “Thư gửi Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” đề ngày 17-10-1945, Bác Hồ nêu rõ: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Rồi ngày 10-1-1946, phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kiến quốc, Bác Hồ một lần nữa nhấn mạnh: “Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ, chúng ta phải thực hiện ngay: Làm cho dân có ăn; Làm cho dân có mặc; Làm cho dân có chỗ ở; Làm cho dân được học hành”.

Chính nhờ quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ hữu cơ giữa độc lập, tự do và hạnh phúc mà sau 15 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs) do Liên Hợp Quốc phát động từ năm 2000, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhất là đối với Mục tiêu thứ nhất - Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói và Mục tiêu thứ hai - Đạt phổ cập giáo dục tiểu học.

Đương nhiên so với điều mong muốn của Bác Hồ vào năm 1946 khi trả lời câu hỏi của các nhà báo: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, những gì chúng ta đạt được sau 15 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ cũng mới là bước đầu.

Chỉ so với ước vọng “đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” của Bác thì khoảng cách thực tế vẫn còn xa. Báo cáo quốc gia kết quả 15 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam từng nêu rõ: thách thức đặt ra đối với công cuộc giảm nghèo hiện tại và trong thời gian tới là sự gia tăng bất bình đẳng và nghèo kinh niên đối với nhóm dễ bị tổn thương, thành quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, vẫn tồn tại tình trạng nhiều hộ gia đình nghèo dù đã thoát nghèo nhưng lại có nguy cơ cao rơi trở lại nhóm nghèo và tình trạng nhiều hộ không nghèo đã rơi vào nghèo đói; đồng thời nêu rõ: mục tiêu mọi trẻ em hoàn thành đầy đủ chương trình giáo dục tiểu học vẫn là một thách thức lớn, tình trạng học sinh bỏ học, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa vẫn còn phổ biến, còn tồn tại sự chênh lệch khá rõ về khả năng tiếp cận giáo dục giữa khu vực nông thôn và thành thị, giữa nhóm dân tộc đa số và thiểu số, và giữa các vùng địa lý.

Những thách thức này càng lớn hơn khi từ năm 2015, Liên Hợp Quốc quyết định kết thúc các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và bắt đầu phát động các Mục tiêu Toàn cầu về Phát triển bền vững (SDGs) cho giai đoạn 2015-2030 với đòi hỏi cao hơn hẳn…

Nhờ tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” nên trải qua ba mươi năm chiến tranh, nước ta “có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ” (Di chúc của Bác Hồ). Và chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” cũng không chỉ ngời sáng trong thời đại Hồ Chí Minh mà đã đồng hành cùng dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Nhờ tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” nên trải qua mười thế kỷ Bắc thuộc, nước ta vẫn không bị đồng hóa, vẫn “Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác” như Nguyễn Trãi từng khẳng định trong Bình Ngô đại cáo.

Thế nhưng cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập, tự do cho Tổ quốc, mang lại hạnh phúc cho Nhân dân không phải là chuyện một sớm một chiều, bởi luôn phải đối mặt đương đầu với nhiều trở lực chủ quan và khách quan, đòi hỏi người Việt Nam phải thường xuyên mài sắc ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” để tiếp tục bảo vệ nền độc lập, tự do đang có, để tiếp tục đấu tranh khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương nhằm sớm thực hiện mục tiêu toàn vẹn lãnh thổ, để phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa, làm  cho mọi người dân và từng người dân Việt Nam thật sự được hạnh phúc.

Bùi Văn Tiếng

.