Thời sự và bàn luận

Đến hẹn lại... thu

23:28, 16/09/2017 (GMT+7)

Cứ vào năm học mới, chuyện tăng thêm các khoản thu được xáo xới lại với vô vàn kiểu thu, nhất là ở các thành phố lớn. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã có nhiều văn bản hướng dẫn, nghiêm cấm các khoản phụ thu và chính quyền các địa phương cùng với các sở GD-ĐT sở tại cũng đã tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục không được lạm thu tiền trường đầu năm, nhưng xem ra người nói cứ nói, người thu cứ thu và để hợp thức hóa chuyện này, hầu như ở mỗi trường đều có các hội phụ huynh học sinh sẵn sàng đảm nhiệm là “cánh tay nối dài” của ban giám hiệu để “vận động” thu thêm các khoản ngoài quy định của Bộ GD-ĐT.

Nhiều trường thu ít thì chỉ vài khoản nhỏ, coi như tiền trà nước đầu năm, nhưng ở một số trường có tỷ lệ con em gia đình có điều kiện về kinh tế đến lớp nhiều thì những khoản thu đó rất lớn, như kiểu hội phụ huynh do một mạnh thường quân nào đó đứng ra vận động mua cho lớp, cho trường mấy bộ điều hòa không khí với giá trị mỗi bộ lên đến hàng triệu đồng. Chỉ khổ cho những phụ huynh nghèo, tiền sách vở, áo quần còn chưa lo đủ cho con em đến trường, nay phải gồng mình đóng góp thêm khoản thu “tự nguyện” này…

Điều đó tạo sự bất bình đẳng trong môi trường giáo dục, bởi trong trường học, nếu phòng này có máy lạnh, phòng kia không có sẽ tạo mặc cảm, tự ti đối với học sinh.

Ngoài ra, trong cùng một môi trường, cùng một địa bàn, nhưng trường này có máy lạnh, trường khác không có cũng tạo nên sự bất bình đẳng, sinh ra tình trạng chạy trường, chạy lớp. Trong khi Luật Giáo dục, mục Điều lệ trường tiểu học cấm tạo sự bất bình đẳng trong cùng một môi trường giáo dục.

Hiện nay các trường đã thực hiện khoán chi kinh phí, nên từng khoản chi cho hoạt động cụ thể đã có. Đầu năm học mới, các trường đều có niêm yết công khai các khoản thu theo quy định, hẳn nhiên là hợp pháp, Nhưng điều đáng nói ở đây là những khoản thu đó chỉ là bề nổi của “tảng băng lộ phí đi học” của con trẻ.

Và để hợp pháp hóa các khoản thu đầu năm, ban giám hiệu các trường đã “mượn tay” hội phụ huynh để thu các khoản tiền như mua ti-vi, đèn chiếu, các thiết bị tin học để phục vụ dạy theo giáo án điện tử, rồi sơn vôi, lót nền, vệ sinh trường, lớp... Mà khi hội phụ huynh đã gánh vác, có nghĩa là trên cơ sở tự nguyện nên ngành chức năng và chính quyền khó mà “rờ” tới được! Và các khoản thu ngoài quy định sẽ trở thành gánh nặng kinh tế, khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Luật Giáo dục quy định, phụ huynh không phải tham gia đóng góp cho các hạng mục như mua sắm, sửa chữa trong nhà trường mà đó là trách nhiệm của Nhà nước và người đứng đầu cơ sở giáo dục. Các hoạt động như bán trú, ăn trưa thì được thỏa thuận. Trong trường hợp cần sửa chữa cấp thiết trong khi ngân sách chưa phân bổ kịp thời thì nhà trường phải thực hiện đúng 4 bước quy trình về thỏa thuận. Tự nguyện là ai có bao nhiêu đóng góp bấy nhiêu.

Theo Điều 10 Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh quy định: Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.

Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường; bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Vì thế, việc kiểm tra các khoản thu là trách nhiệm của cơ quan quản lý các cấp. Bên cạnh thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý, phụ huynh cần có sự chia sẻ và hiểu đúng những khoản đóng góp mình phải thực hiện và không phải thực hiện; đồng thời nêu cao vai trò giám sát cộng đồng, khi có hiện tượng sai cần lên tiếng phản ánh ngay.

Trao đổi về vấn đề này sáng 13-9, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố cho biết, ngay từ khi chuẩn bị bước vào năm học mới, sở đã tổ chức nhiều phiên họp, rà soát, ra nhiều văn bản về việc chống lạm thu đầu năm học mới; đồng thời yêu cầu ban giám hiệu các trường thuộc diện quản lý chấp hành nghiêm chủ trương của ngành và các địa phương.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT thành phố cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vấn đề lạm thu ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố… Tuy nhiên, ông Vĩnh cũng thừa nhận vẫn còn tình trạng lạm thu ở một số trường học, thuộc nhiều cấp học khác nhau, thông qua các tổ chức hội phụ huynh. Vì thế, rất mong các cơ quan báo chí, người dân phản ánh cho ngành chức năng biết để có biện pháp xử lý!

Để xử lý triệt để vấn nạn này, ở tầm vĩ mô, trước hết, ngân sách Nhà nước cần bảo đảm điều kiện hoạt động thường xuyên cho nhà trường.  Các địa phương tạo điều kiện về ngân sách chi cho hoạt động giáo dục, coi giáo dục là quốc sách thì phải đầu tư tương xứng.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra và quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Khi phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm minh. Các trường cần thực hiện công khai, minh bạch các khoản thu; tạo môi trường giáo dục bình đẳng giữa học sinh trong trường, trong cùng một hệ thống.

CHUNG ANH

.