Có nhiều người nghĩ Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7) hằng năm là một ngày buồn. Ý nghĩ này không sai nhưng không hoàn toàn đúng và theo tôi, thậm chí ngày này còn có thể được xem là một ngày vui.
Vì sao như vậy? Đó là vì từ 71 năm qua, cả những năm chiến tranh cũng như những ngày hòa bình, Đảng và nhân dân ta - trong đó có Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng, bằng tình cảm chân thành và hành động thiết thực, cùng nhau thực hiện lời dạy bảo ân cần mà cũng là tâm nguyện thiết tha của Bác Hồ kính yêu về việc đền ơn đáp nghĩa đối với các liệt sĩ, thương binh và những người có công với nước.
Chúng ta vui mừng nhận thấy mộ phần các liệt sĩ ngày càng khang trang hơn, được hương khói thường xuyên hơn; việc tìm kiếm hài cốt những đồng chí đã hy sinh trên các chiến trường xưa có hiệu quả rõ rệt và vẫn đang còn tiếp tục.
Đặc biệt qua khai thác nguồn tin từ phía những người một thời từng đứng bên kia chiến tuyến, một số địa phương đã tìm được mồ chôn tập thể của các liệt sĩ - chẳng hạn nhờ sự hỗ trợ thông tin của hai cựu binh Mỹ Bob Connor và Martin E.Strones mà tỉnh Đồng Nai đã tìm được hài cốt của khoảng 150 chiến sĩ giải phóng hy sinh đầu năm 1968 tại sân bay Biên Hòa...
Thành Đoàn và Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố tổ chức cho học viên chương trình “ Học kỳ trong quân đội” viếng, tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm thành phố. Ảnh: THANH TÌNH |
Chúng ta cũng vui mừng nhận thấy bằng các chính sách thấm đẫm tính nhân văn và đạo lýuống nước nhớ nguồncủa Đảng và Nhà nước, kể cả một số chính sách ưu đãi riêng của từng địa phương, các gia đình liệt sĩ và gia đình có công với nước, các thương binh, bệnh binh và đặc biệt là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngày càng được xã hội tôn vinh, chăm sóc, phụng dưỡng với mục tiêu là bảo đảm mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống chung của người dân địa phương.
Nhiều tập thể và cá nhân trên địa bàn thành phố đã tự nguyện đóng góp sức người, sức của để trao tặng cho hàng nghìn hộ chính sách những ngôi nhà tình nghĩa chan chứa và ấm áp nghĩa tình.
Cũng như phần đông các gia đình liệt sĩ và gia đình có công với nước, các thương binh, bệnh binh không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp của bản thân và gia đình, tùy theo hoàn cảnh cụ thể của từng người và từng nhà, đã có những đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7) hằng năm là một ngày vui chưa trọn vẹn. Nếu tinh ý chúng ta dễ nhận thấy thời gian qua người Việt mình nhắc đến lễ kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ hằng năm với một sự tế nhị đậm đà bản sắc dân tộc.
Thường thì lễ kỷ niệm hay đi đôi với hai chữ chào mừng, chẳng hạn như công trình chào mừng kỷ niệm ngày thành lập Đảng, công trình chào mừng kỷ niệm Sinh nhật Bác Hồ, công trình chào mừng kỷ niệm Quốc khánh, công trình chào mừng Ngày thành lập Quân đội nhân dân, nhưng hầu như không người Việt Nam nào nỡ nói là công trình chào mừng kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Không nỡ nói như vậy vì dẫu sao thì ngày này cũng khơi gợi trong lòng chúng ta hình ảnh của những người nằm xuống - những khoảng trống, những mất mát không gì bù đắp được.
Mỗi lần đến thăm các Mẹ Việt Nam anh hùng, chúng ta có thể làm cho các Mẹ cảm thấy ấm lòng nhưng cũng có khả năng làm cho các Mẹ phải tủi thân vì nhớ thương con. Với người mẹ, mỗi người con là một khoảng trời riêng.
Và không nỡ nói như vậy cũng còn là và chủ yếu là do chúng ta hoàn toàn chưa thể yên tâm với kết quả chăm lo đền ơn đáp nghĩa đối với các liệt sĩ, thương binh và những người có công với nước đúng như mong muốn của Bác Hồ. Nếu chúng ta làm có kết quả tốt hơn, chu đáo hơn, tâm huyết hơn, trách nhiệm hơn, thường xuyên hơn thì Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 hằng năm chắc chắn sẽ trở thành một ngày vui trọn vẹn, và đến lúc đó chúng ta sẽ không còn đắn đo gì khi nói: chào mừng kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ.
Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 hằng năm là một ngày vui chưa trọn vẹn vì cho đến nay, trải qua mấy chục năm sau chiến tranh, mặc dầu đã có nhiều nỗ lực và đạt được không ít thành tựu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh rất đáng tự hào, trong đó có một số thành tựu nổi bật và được xem là kỳ tích, nhưng nhìn chung nước ta vẫn còn nghèo, thu nhập bình quân đầu người của dân ta còn thấp, bên cạnh những thời cơ thuận lợi vẫn còn vô số thách thức khó khăn.
Chúng ta phấn đấu bảo đảm mức sống của các gia đình chính sách bằng hoặc cao hơn mức sống chung của người dân địa phương và cơ bản chúng ta đã đạt được mục tiêu này. Có điều niềm vui của chúng ta sẽ trọn vẹn và có ý nghĩa hơn nếu như cái mức sống chung ấy ngày càng được nâng cao, không phải so với bản thân chúng ta mà còn phải so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Đó là chưa kể chúng ta khó có thể yên lòng và các liệt sĩ nơi cõi vĩnh hằng chắc cũng khó mà thanh thản khi thực tế vẫn còn không ít cảnh đời bất hạnh trong số những đối tượng chính sách của chúng ta. Hồi còn đương nhiệm, tôi từng đi thăm một số gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đã không thể kìm nén được cảm xúc khi tận mắt chứng kiến những đồng chí từng trở về từ chiến trường K, những cơ sở cách mạng bị địch bắt tù đày… vẫn đang phải sống chật vật, thiếu thốn, khổ sở như thế nào.
Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 hằng năm là một ngày vui chưa trọn vẹn vì cho đến nay, trải qua mấy chục năm sau chiến tranh, mặc dầu việc tìm kiếm hài cốt những đồng chí đã hy sinh trên các chiến trường xưa có hiệu quả rõ rệt và vẫn đang còn tiếp tục, nhưng nhiều gia đình liệt sĩ vẫn chưa có cơ hội tìm được, tìm đúng hài cốt người thân của mình. Xét theo tâm lý truyền thống “sống cái nhà chết cái mồ” của người Việt mình thì có thể xem đây là hai lần hy sinh mất mát.
Đó là chưa kể do nhiều nguyên nhân khác nhau, không ít người thực sự có công-thậm chí có công lớn đối với cách mạng, vẫn chưa có điều kiện để báo công, đã báo công vẫn chưa có điều kiện để được công nhận, đã được công nhận vẫn chưa có điều kiện để được đãi ngộ đúng mức.
Tất nhiên cho đến nay vẫn còn nhiều bảng Gia đình vẻ vang, nhiều bằng Tổ quốc ghi công không còn biết trao cho ai, không còn ai để nhận, bởi hàng nghìn gia đình, dòng họ trên mảnh đất này đã hy sinh đến người cuối cùng trong máu lửa chiến tranh.
Và tất nhiên những người đưa hai vai mình gánh vác đại cuộc, sẵn sàng đương đầu với gian khổ hiểm nguy - thậm chí sẵn sàng đối diện với tù đày và cái chết, chủ yếu là do xuất phát từ lòng yêu nước thương quê chứ không hề mong lưu danh thiên cổ, càng không hề nghĩ rằng mình làm tất cả, thậm chí chấp nhận hy sinh tất cả là để được tuyên dương danh hiệu anh hùng, dũng sĩ, hay để được công nhận liệt sĩ, thương binh, người có công với nước, hoặc để được tưởng thưởng huân chương, huy chương...
Vấn đề là trách nhiệm của chúng ta đến đâu, đã đầy đủ chưa và còn có gì bất cập hay không?
BÙI VĂN TIẾNG