Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW

.

Tính từ ngày Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đến nay đã gần 15 năm.

Khi Nghị quyết số 33-NQ/TW ra đời, người viết bài này đang giữ chức Bí thư Quận ủy Thanh Khê, cảm nhận rất rõ nghị quyết quan trọng này đã trở thành động lực như thế nào trong quá trình phát triển của một quận nội thành.

Năm 2008, được tham gia Ban Thường vụ Thành ủy và nhờ vậy được dự buổi làm việc giữa Bộ Chính trị/Ban Bí thư với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy vào giữa tháng 10 năm 2013, được lắng nghe ý kiến đánh giá của cấp trên về 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW để chuẩn bị ban hành Kết luận số 75-KL/TW ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Bộ Chính trị khóa XI, người viết bài này càng nhận thức rõ hơn về những tác động tích cực của Nghị quyết số 33-NQ/TW đối với con đường đi tới/đi lên của thành phố quê hương mình.

Có thể nói từ đầu năm 1997 cho đến trước tháng 10 năm 2003, mặc dầu đã được tách ra để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đã thoát khỏi “chiếc áo chật” của một thành phố cấp huyện, nhưng vị trí của Đà Nẵng vẫn còn quá mờ nhạt trong một nước Việt Nam thống nhất chạy dài từ bắc chí nam.

Cho nên khi Bộ Chính trị khóa IX - trong Nghị quyết số 33-NQ/TW - định hướng phát triển Đà Nẵng “trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính-viễn thông và tài chính-ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh của khu vực miền Trung và cả nước” thì đấy cũng chính là lúc Đà Nẵng được những nhà lãnh đạo cao cấp của quốc gia hình dung là một cực phát triển mới bên cạnh hai cực phát triển - và chỉ hai cực mà thôi - trong hơn phần tư thế kỷ là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.   

Và với tư cách là một trong ba cực phát triển của đất nước thống nhất mà trong 15 qua, tầm vóc quốc tế của Đà Nẵng đã được khẳng định. Điều đó được chứng minh qua hai lần Đà Nẵng được chọn là nơi đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm 2006 và năm 2017.

Đặc biệt, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã nâng tầm vóc quốc tế của Đà Nẵng lên một chiều kích mới. Còn nhớ năm 2016, Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick từng tiên đoán: “Sự chú ý của cả thế giới sẽ đổ dồn về Đà Nẵng trong tháng 11 năm 2017 khi các nhà lãnh đạo, các bộ trưởng và các CEO đến từ 21 nền kinh tế APEC tụ họp tại thành phố này.

Đây sẽ là một cơ hội lớn để Đà Nẵng thể hiện cho thế giới thấy tiềm năng của thành phố như một cửa ngõ trung tâm quan trọng cho du lịch và đầu tư”. Và trong diễn văn kéo dài hơn 35 phút ở Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo doanh nghiệp APEC trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhấn mạnh hình ảnh một Đà Nẵng đang hội nhập quốc tế:

“Thành phố này từng là nơi Mỹ đặt một căn cứ quân sự, tại một đất nước nơi rất nhiều người Mỹ và người Việt Nam đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh vô cùng đau thương năm xưa.

Ngày nay, chúng ta không còn là kẻ thù nữa, chúng ta là bạn. Và thành phố cảng này ngày càng tấp nập, nhộn nhịp với tàu thuyền từ khắp nơi trên thế giới đổ về”. Không có những động lực từ Nghị quyết số 33-NQ/TW, Đà Nẵng khó lòng có được cơ hội để quảng bá thương hiệu của mình đầy ấn tượng như thế.

Mười lăm năm nhìn lại, nếu chọn trong Nghị quyết số 33-NQ/TW một số mục tiêu cụ thể mà Đà Nẵng phải về đích sớm thì có lẽ mục tiêu mà Đà Nẵng về đích sớm nhất chính là đã đưa dịch vụ lên tuyến đầu ngay từ giữa nhiệm kỳ Đại hội XX Đảng bộ thành phố - năm 2008.

Về lộ trình đưa dịch vụ lên tuyến đầu thì Nghị quyết số 33-NQ/TW chỉ nêu: “Có kế hoạch và bước đi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nay đến năm 2010 theo hướng cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, sau năm 2010 chuyển sang cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp”, nhưng Đà Nẵng đã phấn đấu hoàn thành mục tiêu này sớm hơn hai năm.

Thật ra sớm hay muộn hơn, nhanh hay chậm hơn thời điểm 2010 hoàn toàn phụ thuộc vào việc ngay từ khi có Nghị quyết số 33-NQ/TW, người Đà Nẵng làm dịch vụ, đúng hơn là chuẩn bị mọi tiền đề để phát triển dịch vụ theo một tầm cao mới, một chất lượng khác hẳn như thế nào. Và đến nay về cơ bản Đà Nẵng đã làm được như vậy.

Chính điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng có thể thực hiện mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW: “Phấn đấu trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020” bằng cách của riêng mình: sẽ góp phần vào diện mạo Việt Nam - nước công nghiệp với vị thế một Đà Nẵng - thành phố dịch vụ/thành phố công nghiệp có công nghệ cao.   

Tuy nhiên, sau 15 năm nhìn lại, có thể thấy Đà Nẵng đã bỏ lại sau lưng rất nhiều thời cơ để có thể tận dụng các động lực và lợi thế do Nghị quyết số 33-NQ/TW mang lại. Chẳng hạn Nghị quyết số 33-NQ/TW đã “bật đèn xanh” cho Đà Nẵng:

 “Thành phố có phương án trình Chính phủ phê duyệt thí điểm thực hiện một số cơ chế mới đối với những vấn đề mà thực tiễn thành phố đặt ra nhưng chưa có quy định hoặc đã quy định nhưng không còn phù hợp”, nhưng tiếc là Đà Nẵng chưa tranh thủ hoặc tranh thủ chưa đến nơi đến chốn lợi thế này suốt mười lăm năm qua.

Nói chung Đà Nẵng mới dừng ở việc phát hiện từ thực tiễn một số vấn đề “chưa có quy định hoặc đã quy định nhưng không còn phù hợp”, cao hơn mức nữa là tự mình quy định hoặc quy định lại một vài vấn đề cho phù hợp với thực tiễn, dẫn đến hiệu quả không cao thậm chí có khi không nhận được sự ủng hộ cần thiết của cấp trên - câu chuyện hạn chế nhập cư vào khu vực nội thành là một ví dụ nhãn tiền.

Nói chung với Nghị quyết số 33-NQ/TW, Đà Nẵng vẫn chưa tạo được những khác biệt cần thiết đối với một trung tâm/một cực phát triển và do vậy cái yếu kém từng được nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW: “Vai trò trung tâm, sức lan tỏa, lôi kéo các tỉnh lân cận và các tỉnh Tây Nguyên còn hạn chế” vẫn chưa thể khắc phục được bao nhiêu, dẫn đến vẫn còn tình trạng thế mạnh lớn nhất của khu vực này là… mạnh ai nấy làm!

Mặc dầu trong cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng từ năm 2008 đến nay, nông nghiệp - trong đó có nghề cá - được xếp sau cùng và chiếm tỷ lệ thấp trong nền kinh tế, nhưng không phải ngẫu nhiên mà trong Kết luận số 75-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Bộ Chính trị khóa XI nhấn mạnh yêu cầu: “Phát triển Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển, trung tâm nghề cá, gắn với bảo vệ an ninh và chủ quyền biển, đảo ở khu vực”.

Đây là một nội dung mà trước đó do chưa có Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, nên Nghị quyết số 33-NQ/TW chưa có điều kiện để làm rõ, chỉ nói rằng “các lợi thế về kinh tế biển chưa được khai thác tốt” và đòi hỏi thời gian đến Đà Nẵng phải ra sức khai thác tiềm năng kinh tế biển - kinh tế biển của Đà Nẵng chỉ được hình dung dưới dạng tiềm năng.

Cho nên người Đà Nẵng ngày nay cần phải nghĩ tiếp nhiều chuyện lắm, cần phải làm tiếp nhiều việc lắm mới có thể phát triển đúng mức thế mạnh về kinh tế biển của một vùng đất từng có nhiều kinh nghiệm trên lĩnh vực này; mới có thể nhanh chóng thoát khỏi tình trạng - nói một cách hình ảnh là - tiến ra đại dương mênh mông bằng những chiếc thuyền thúng vừa nhỏ nhoi vừa mỏng mảnh; mới có thể đối diện đương đầu với những tranh cướp - chứ không phải tranh chấp - chủ quyền trên biển, với những hành động của ai đó coi thường công pháp quốc tế và tình hữu nghị giữa các nước láng giềng.

Cần thấy ngư dân Đà Nẵng đang hồn treo cột buồm để vừa mưu sinh kiếm sống vừa góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước trên Biển Đông và việc Đà Nẵng tập trung phát triển “trở thành một trung tâm kinh tế biển, trung tâm nghề cá, gắn với bảo vệ an ninh và chủ quyền biển, đảo ở khu vực” không chỉ là làm đúng theo Nghị quyết số 33-NQ/TW và Kết luận số 75-KL/TW mà còn là mệnh lệnh của trái tim!  

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.
.