Niềm tin, kỳ vọng năm mới 2019

.

Mới đó mà đã gần hai thập niên kể từ khi nhân loại bước vào thiên niên kỷ mới, cũng là gần hai thập niên người Đà Nẵng lao tâm khổ tứ để xây dựng và phát triển thành phố bên sông Hàn thành một “điểm đến” đầy ấn tượng trên bản đồ du lịch của đất nước và thế giới.

Xét một cách công tâm và toàn diện - xem đây là sự nghiệp của một triệu người chứ không phải sự nghiệp của một người hay một vài người - thì có thể thấy Đà Nẵng cơ bản thành công như mong đợi và rõ ràng thương hiệu Đà Nẵng đã được khẳng định một cách đầy ngoạn mục trong suốt hai chục năm qua. Đương nhiên “ví phỏng đường đời bằng phẳng cả” (thơ Phan Bội Châu) thì chắc chẳng có gì để nói để bàn, nhưng ở đây càng tự hào về cái Được, người Đà Nẵng càng khắc khoải ưu tư khi nghĩ về cái chưa được.

Chính vì vậy đứng trước ngưỡng cửa năm mới 2019 này, người Đà Nẵng không hy vọng một năm mới chỉ toàn cái Được - đó là điều không tưởng, mà chỉ hy vọng một năm mới điềm tĩnh cẩn trọng hơn để làm thế nào hạn chế đến mức thấp nhất cái Mất trong phát triển, nhất là những cái Mất có thể tránh khỏi.

Đương nhiên cũng cần thấy nhiều khi những cái-mất-khách-quan-khó-tránh-khỏi lại vẫn có thể dễ dàng vượt qua hơn là những cái-mất-chủ-quan-có-thể-tránh-khỏi. Bởi sẽ không bao giờ vượt qua được những cái mất-chủ-quan-có-thể-tránh-khỏi nếu như vẫn làm theo quán tính của tư duy, kiểu “xưa bày nay bắt chước” mà không thấy thực tiễn đã khác trước, hoặc nếu như mọi việc vẫn bị chi phối bởi những tham vọng cá nhân không có điểm dừng.

Để loại bỏ những trở lực này, trước ngưỡng cửa năm mới 2019 đang rộng mở, người Đà Nẵng rất hy vọng các cán bộ cấp chiến lược đang đứng mũi chịu sào ở thành phố này sẽ thực sự gương mẫu nêu gương theo đúng Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25 tháng 10 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sự nghiệp này không phải của một người nhưng người đứng đầu hoàn toàn có thể thúc đẩy hay kéo lùi sự nghiệp của cả triệu người…

Bước vào năm 2019, người Đà Nẵng vẫn tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư như đã thu hút có hiệu quả trong năm qua. Còn nhớ đầu tháng 3 năm 2018, người đứng đầu Đảng bộ thành phố đã thể hiện một cái nhìn điềm tĩnh và cẩn trọng khi phát biểu tại Tọa đàm Mùa Xuân nhằm triển khai Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018: “Đà Nẵng đang đối mặt với nguy cơ chật hẹp ở khu vực trung tâm, còn khu vực ven biển thì ô nhiễm (…) Để phát triển du lịch một cách bền vững thì bảo vệ môi trường phải là công việc hàng đầu.

Thời gian tới, việc bảo vệ môi trường, đặc biệt giải quyết những điểm nóng về ô nhiễm nước thải khu vực ven biển sẽ được lãnh đạo thành phố tập trung thực hiện, từng bước giải quyết dứt điểm trong năm 2018”. Ô nhiễm nước thải ven biển chính là cái Mất ngay khi Được của “công nghiệp không khói” Đà Nẵng và sự kiện Đà Nẵng bị ngập nặng trong cơn mưa lịch sử hồi đầu tháng 12 vừa qua càng khẳng định tầm nhìn đúng đắn của Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa.

Người Đà Nẵng hy vọng “lãnh đạo thành phố tập trung thực hiện, từng bước giải quyết dứt điểm” tình trạng ô nhiễm nước thải khu vực ven biển nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung trong năm 2019.   

Bước vào năm 2019, người Đà Nẵng vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc tinh giản biên chế và thu gọn đầu mối trong khu vực công như đã triển khai và thu được kết quả bước đầu ở năm qua. Người Đà Nẵng đồng thuận cao với chủ trương giảm bớt số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước - thực chất là từ tiền thuế của người dân, nhưng cũng hy vọng trong quá trình thực hiện chủ trương đúng đắn này ở các năm tiếp theo, Đà Nẵng có thể tránh được tình trạng người làm được thì không được làm còn người được làm thì không làm được.

Nói như vậy nghĩa là người Đà Nẵng mong muốn một kết quả tương thích giữa số lượng và chất lượng khi tinh giản, không nên giảm bớt người đúng theo chỉ tiêu đề ra mà vẫn vừa thừa vừa thiếu - thừa người không làm được và thiếu người làm được! Người Đà Nẵng hy vọng rằng tinh giản biên chế là giữ lại người tài chứ không phải giữ lại người nhà!

Tương tự, người Đà Nẵng hy vọng việc hợp nhất/sáp nhập cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm thu gọn đầu mối phải hướng đến mục tiêu tối thượng là nâng cao hiệu quả quản lý, tránh tình trạng thu gọn đầu mối mà thực chất vẫn là hai-trong-một hoặc ba-trong-một, thậm chí còn giảm sút hiệu quả quản lý…

Bước vào năm 2019, người Đà Nẵng hy vọng thành phố mình tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư cho văn hóa nhằm tạo sự cân bằng trong phát triển đúng theo quan điểm của Đảng nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Năm 2018, trên lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, Đà Nẵng có nhiều cái Được, chẳng hạn vào những ngày cuối năm, danh thắng Ngũ Hành Sơn được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt sau hai mươi tám năm xếp hạng di tích quốc gia và đài thờ Đồng Dương đang trưng bày ở

Bảo tàng Điêu khắc Chăm cũng được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia. Xin nói thêm năm 2018 cũng là năm di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên được xếp hạng của Đà Nẵng - thành Điện Hải - được tiến hành trùng tu/tôn tạo giai đoạn I một cách thận trọng nhằm bảo đảm tính nguyên bản của di tích, ngành văn hóa thành phố đã sang tận một số trung tâm lưu trữ quốc gia của Pháp và thu thập được nhiều tư liệu rất có giá trị khảo cứu nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu về phục dựng các hạng mục trong thành như kỳ đài, sở chỉ huy... hoặc như số lượng và vị trí các cổng thành…

Cũng những ngày cuối năm 2018, ngành văn hóa thành phố đã tổng kết và trao giải cuộc vận động sáng tác ca khúc về Đà Nẵng. Chỉ cần nhìn vào nhan đề các ca khúc được chọn trao giải, có thể thấy rõ tình yêu của các nhạc sĩ dành cho thành phố bên sông Hàn: “Đà Nẵng của tôi”, “Đà Nẵng phố tôi yêu”, “Phố biển ngàn thương”, “Lời tự tình phố biển”, “Thành phố đẹp như mơ”, “Đà Nẵng nỗi nhớ trong tôi”…

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tám- tác giả ca khúc đoạt giải Nhất “Đà Nẵng của tôi” đã phát biểu trong buổi lễ tổng kết: “Không thể viết được về Đà Nẵng nếu không sống lâu/sống sâu với mảnh đất và con người nơi đây”.

Đó cũng chính là niềm hy vọng của giới âm nhạc Đà Nẵng đối với chiếc nôi nuôi dưỡng cảm hứng nghệ thuật của mình khi bước vào năm mới 2019, đồng thời cũng là một bí quyết có thể tiếp tục xây dựng và phát triển thành phố bên sông Hàn thành một “điểm đến” đầy ấn tượng trên bản đồ du lịch của đất nước và thế giới: phải có những người Đà Nẵng sống lâu và quan trọng hơn là sống sâu với mảnh đất này, cùng với nhân dân này. Nói khác đi, nhân tố quan trọng nhất để Đà Nẵng vươn lên xứng đáng là một cực phát triển của đất nước không gì khác là nhân tố con người.  

BÙI VĂN TIẾNG

;
;
.
.
.
.
.