Tiếp nối thành công của chương trình Tọa đàm mùa Xuân 2019 tổ chức hồi đầu tháng 3 vừa qua và chào mừng kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3, cuộc tọa đàm “Liên kết phát triển nguồn nhân lực và đổi mới khoa học-công nghệ” diễn ra vào sáng 30-3 tại thành phố bên sông Hàn với một phiên toàn thể và 3 phiên chuyên đề, trong đó đáng chú ý là phiên chuyên đề “Liên kết phát triển khoa học-công nghệ giữa cơ sở giáo dục đại học với cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền thành phố Đà Nẵng”.
Thực chất mối quan hệ liên kết phát triển khoa học-công nghệ giữa cơ sở giáo dục đại học với cộng đồng doanh nghiệp là mối quan hệ về cung/cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi suy cho cùng thì sứ mệnh của các cơ sở giáo dục đại học là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ khoa học-công nghệ đáp ứng được nhu cầu đầu tư đổi mới công nghệ để phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nhất là trước thực tế cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng đang triển khai nhiều lĩnh vực sản xuất có hàm lượng khoa học cao và thuộc một số chuyên ngành rất mới, chẳng hạn hàng không vũ trụ… so với các chuyên ngành đào tạo “truyền thống” hiện nay, thì sứ mệnh đào tạo ấy càng trở nên quan trọng, bởi “phi trí bất hưng” - theo cách nói của Lê Quý Đôn.
Qua thảo luận tại cuộc tọa đàm, cộng đồng doanh nghiệp thừa nhận Đà Nẵng đang có các cơ sở giáo dục đại học uy tín với tầm hoạt động rộng khắp nhiều tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, cung cấp được phần lớn nguồn nhân lực có trình độ khoa học-công nghệ và cơ bản đáp ứng được nhu cầu đầu tư đổi mới công nghệ để phát triển của cộng đồng doanh nghiệp; nhưng trong quan hệ giữa nhà trường với nhà doanh nghiệp hiện nay vẫn đang tồn tại tình trạng thiếu tương thích giữa Cần và Có không chỉ trong cung/cầu đào tạo nhân lực - vừa về số lượng vừa về chất lượng/chuẩn đầu ra - mà còn trong nghiên cứu khoa học nhằm trực tiếp tư vấn/chuyển giao công nghệ.
Chính vì thế, tọa đàm lần này cũng được xem là dịp để các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn điều chỉnh thậm chí tái cấu trúc cái mình đang Có. Đương nhiên giáo dục đại học không chỉ/không thể đơn thuần chạy theo cái đang Cần của doanh nghiệp nói riêng và của xã hội nói chung, bởi một số ngành đào tạo mà nhà trường đang Có trước mắt tưởng như chưa Cần nhưng tương lai sẽ rất Cần và sứ mệnh của giáo dục đại học còn phải bao hàm cả năng lực dự báo/định hướng cho được/cho đúng cái Cần mang tầm nhìn tổng thể ấy.
Để hoàn thành sứ mệnh của mình, xử lý tốt mối quan hệ liên kết phát triển khoa học-công nghệ với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, trước tiên các cơ sở giáo dục đại học ở Đà Nẵng phải xử lý tốt mối quan hệ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học trong bản thân nhà trường, không chỉ đối với người dạy mà còn đối với người học.
Đối với người dạy, cần đầu tư chủ yếu cho hoạt động nghiên cứu khoa học - cả nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu cơ bản - ở những khoa/môn đông sinh viên/tuyển sinh thuận lợi/doanh nghiệp và xã hội đang Cần, bởi nghiên cứu khoa học trong trường đại học là nhằm nâng cao thực chất chất lượng đào tạo chứ không phải để “đánh bóng tên tuổi” hoặc lấy “thành tích phong trào”. Đối với người học, qua hoạt động nghiên cứu khoa học, cần thổi bùng trong sinh viên ngọn lửa của niềm đam mê khoa học/sở thích nghiên cứu - và đương nhiên là cần trang bị kỹ năng nghiên cứu thật bài bản...
Đầu tư đổi mới công nghệ để phát triển, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ cần xử lý tốt mối quan hệ liên kết phát triển khoa học-công nghệ với các cơ sở giáo dục đại học ở Đà Nẵng/ở trong nước và cả ở nước ngoài, mà còn cần xử lý tốt mối quan hệ với chính quyền thành phố.
Qua thảo luận tại cuộc tọa đàm, cộng đồng doanh nghiệp cũng thừa nhận Đà Nẵng đang có một chính quyền biết coi trọng trí thức/tầng lớp tinh hoa, từ đó biết coi trọng sức mạnh của khoa học-công nghệ và hơn thế nữa, biết làm “bà mai” để kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục đại học trong việc phát triển khoa học-công nghệ - mà cuộc tọa đàm này là một bằng chứng sinh động.
Tuy nhiên qua thảo luận, có một số ý kiến cho rằng chính quyền thành phố cần nhìn nhận cơ sở giáo dục đại học tư thục cũng là một doanh nghiệp để hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường này không chỉ bằng “đơn đặt hàng” nghiên cứu mà còn bằng một khoản kinh phí nhất định từ nguồn ngân sách nhằm phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, bên cạnh nguồn kinh phí tự đầu tư từ học phí của nhà trường.
Từng đứng trên bục giảng trường đại học và từng tham gia nghiên cứu khoa học, người viết bài này rất hào hứng nêu lên mấy thu hoạch tản mạn từ sinh hoạt học thuật rất thấm đẫm chất thời sự là tọa đàm “Liên kết phát triển nguồn nhân lực và đổi mới khoa học-công nghệ” của thành phố quê hương.
Có điều, theo tôi, sinh hoạt học thuật này chắc sẽ tốt hơn nếu có sự hiện diện của các nhà giáo phổ thông bên cạnh các nhà giáo đại học, bởi trong quá trình “chạy tiếp sức” về học vấn của con người, chất lượng giáo dục phổ thông có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng đào tạo sau phổ thông.
Trong tài liệu chính thức phổ biến tại tọa đàm, tôi hết sức chú ý đến một nhận định về chất lượng sinh viên Đà Nẵng rất đáng suy ngẫm: “Năng lực sinh viên đầu vào nói chung thấp hơn nhiều so với ở hai đầu đất nước” (mục II phần 3).
Đương nhiên đây chỉ là chất lượng “đầu vào”, “nói chung” và so với “hai đầu đất nước”, chứ chất lượng “đầu ra”, “nói riêng” và so với “các tỉnh trong khu vực” có lẽ khả quan hơn, nhưng ngần ấy thôi cũng đủ khiến người Đà Nẵng chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề trên tinh thần thực sự cầu thị.
Tôi nghĩ ở đây có hai khả năng: một là chất lượng giáo dục phổ thông ở Đà Nẵng thấp thật, dẫn đến hệ quả là năng lực sinh viên Đà Nẵng đầu vào nói chung thấp hơn nhiều so với ở hai đầu đất nước; hai là chất lượng giáo dục phổ thông ở Đà Nẵng không thấp nhưng trong quá trình phân hóa qua tuyển sinh, đa số học sinh phổ thông chất lượng cao của Đà Nẵng lại thích đi học đại học ở hai đầu đất nước thậm chí ở nước ngoài, dẫn đến các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn không có được một chất lượng “đầu vào” tốt hơn bởi chỉ có thể tuyển đa số học sinh phổ thông chất lượng không cao của Đà Nẵng và không chỉ của Đà Nẵng.
Tôi thiên về khả năng thứ hai và từ đó cũng có thể khẳng định, để cung cấp được phần lớn nguồn nhân lực có trình độ khoa học-công nghệ và cơ bản đáp ứng được nhu cầu đầu tư đổi mới công nghệ để phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, cả thầy và trò của các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn phải nỗ lực gấp nhiều lần so với thiên hạ.
Đến đây tôi chợt nghĩ tới hai câu thơ đầy hào khí miền Trung của Phan Bội Châu: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả/ Anh hùng hào kiệt có hơn ai?” mà không sợ mang tiếng là thắng lợi tinh thần theo kiểu A.Q của Lỗ Tấn!
BÙI VĂN TIẾNG