Cảnh giác, đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia

.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta trên nhiều lĩnh vực, bên cạnh mặt tích cực từ làn sóng người nước ngoài đến đầu tư, sản xuất, du lịch số lượng lớn, thì chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó có các loại tội phạm xuyên quốc gia xâm nhập, tạo dựng địa bàn để hình thành các tổ chức tội phạm, hoặc gây ra nhiều vụ án vô cùng nghiêm trọng, tác động không nhỏ đến tình hình an ninh-trật tự của nhiều địa phương.

Chỉ từ đầu năm 2019 đến nay, nước ta phát hiện một số vụ án xuyên quốc gia lớn, trong đó nổi lên là đối tượng người Trung Quốc thực hiện. Mới đây, đáng chú ý có 2 vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Vụ thứ nhất: Có tới 12 công ty Trung Quốc đã thuê “căn cứ” trong khu đô thị Our City (Hải Phòng) làm địa điểm đặt máy chủ điều hành đường dây đánh bạc xuyên quốc gia lên tới 10.000 tỷ đồng. Ngày 27-7, khoảng 500 cảnh sát của Bộ Công an và Công an Hải Phòng đột kích nhiều địa điểm tại Our City, phát hiện 380 người Trung Quốc tham gia điều hành đường dây đánh bạc tại đây. Cơ quan công an đã thu giữ gần 2.000 điện thoại thông minh, hơn 530 máy tính các loại, nhiều thẻ ngân hàng, tiền mặt, cùng nhiều đồ vật. Đây là vụ án có số lượng người nước ngoài và số tiền đánh bạc, cá cược trên mạng lớn nhất tại Việt Nam.

Vụ thứ hai: Ngày 6-8, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an phối hợp với Công an các tỉnh Kon Tum, Bình Dương, Bình Định, Ninh Thuận, TP. Hồ Chí Minh và lực lượng Biên phòng phát hiện, bắt giữ một 1 đường dây sản xuất ma túy cực lớn trên địa bàn huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum dưới vỏ bọc là một nhà máy và bắt giữ 7 tội phạm quốc tịch Trung Quốc. Số lượng tiền chất ma túy thu được tại các địa điểm thì bọn tội phạm có thể sản xuất ra hàng tấn ma túy đá.

Trong khi đó, từ cuối 2018 đến nay, Đà Nẵng đã trục xuất hơn 500 người Trung Quốc hoạt động trái phép, sai mục đích nhập cảnh, hay có hành vi vi phạm pháp luật khác. Đặc biệt đối tượng người Trung Quốc cũng đã gây ra không ít vụ án, gây sự bức xúc cho xã hội. Chỉ riêng trong tháng 9 này, lực lượng công an Đà Nẵng đã bắt hai vụ án khá nghiêm trọng.

Một là, ngày 15-9, Công an quận Ngũ Hành Sơn phối hợp Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an thành phố ập vào khách sạn Chula (388 Võ Nguyên Giáp, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), khống chế 34 người Trung Quốc đang lưu trú tại đây. Tang vật tạm giữ tại hiện trường gồm nhiều máy tính xách tay, điện thoại di động kết nối mạng để truy cập vào các trang web ở Trung Quốc để thực hiện đầu tư phi pháp, thao túng chứng khoán.

Hai là, ngày 17-9, Công an thành phố bắt khẩn cấp 5 người mang quốc tịch Trung Quốc và 1 người Việt Nam để điều tra về hành vi “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”.

Từ những vụ việc nói trên cho thấy, tội phạm xuyên quốc gia mà đối tượng là người Trung Quốc ở nước ta nói chung, Đà Nẵng nói riêng trong tình trạng đáng báo động.

Qua lời khai của các đối tượng, hiện nay, lực lượng chức năng Trung Quốc tấn công gắt gao các loại tội phạm công nghệ cao, tội đánh bạc, sản xuất, tàng trữ ma túy… Vì thế, chúng đã tìm mọi cách xâm nhập vào một số quốc gia lân cận, trong đó có nước ta, thuê địa điểm, xây dựng cơ sở sản xuất trá hành, thuê người cảnh giới, phục vụ để thực hiện hành vi phạm tội.

Đáng chú ý, ngoài tội phạm công nghệ cao, buôn bán, sản xuất ma túy, lừa đảo... thì vụ tổ chức thuê các cô gái đóng phim sex để bán và tung lên mạng là hành vi rất nghiêm trọng và gây lo ngại cho cộng đồng.
Diễn biến nói trên cho chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, liên quan tới tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, nhiều tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia sẽ tiếp tục hoạt động phức tạp, bằng những thủ đoạn tinh vi và với nhiều mục đích khác nhau về chính trị, kinh tế, xã hội... Trong đó, tội phạm lừa đảo có tổ chức sẽ xuất hiện với quy mô, mức độ nghiêm trọng sẽ ngày càng cao. Tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại sẽ đa dạng về hình thức, ngày càng tinh vi về thủ đoạn.

Tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp, nhất là nạn sản xuất, lưu hành tiền giả, đột nhập vào hệ thống ngân hàng phá vỡ hệ thống bảo mật để ăn cắp dữ liệu nhằm chiếm đoạt tài sản. Tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; tội phạm đánh bạc xuyên quốc gia sẽ có chiều hướng gia tăng. Tội phạm trộm cắp cước viễn thông tiếp tục xảy ra một cách tinh vi và phức tạp. Tội phạm sản xuất, buôn bán ma túy diễn biến khó lường; trong thời kỳ hội nhập chúng ta phải hết sức cảnh giác với xu thế ma túy gắn liền với tội phạm có tổ chức, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”... Ngoài ra, những tội phạm khác, như xâm phạm sở hữu trí tuệ, buôn bán động vật quý hiếm, hủy hoại môi trường… cũng có những diễn biến phức tạp.

Do vậy, cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia của nước ta nói chung, Đà Nẵng nói riêng hiện nay là vô cùng cấp bách. Các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân, nhất là công an - lực lượng chủ lực trong cuộc đấu tranh này, phải không ngừng nêu cao tinh thần cảnh giác, tăng cường giám sát, phát hiện và đấu tranh kiên quyết, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng. Đặc biệt, cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội để xây dựng môi trường xã hội lành mạnh; qua đó các cấp, các ngành và người dân nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc phối hợp với các cơ quan thi hành pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; xây dựng thế trận “an ninh nhân dân” vững chắc, làm nền tảng cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia nói riêng.

T.M

;
;
.
.
.
.
.