Trách nhiệm và niềm tin

.

Theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, bắt đầu từ ngày 10-3, người dân thực hiện khai báo y tế trên hệ thống thông tin quản lý khai báo y tế phục vụ công tác phòng, chống Covid-19.

Điều này thể hiện quyết tâm huy động toàn thể mọi người dân Việt Nam cùng chung sức, đồng lòng chống dịch. Sự phát triển, đời sống của mỗi cá nhân không thể tách rời, độc lập với xã hội, với xu thế chung của thế giới.

Hơn lúc nào hết, bây giờ là lúc mỗi cá nhân cần phát huy vai trò ấy trong phòng, chống Covid-19. Bởi, chỉ một biểu hiện chủ quan, thiếu trung thực, thiếu hiểu biết của mỗi cá nhân không chỉ nguy hiểm cho bản thân mà còn gây hệ lụy cho cả cộng đồng, toàn xã hội. Bởi, phòng, chống Covid-19 chưa bao giờ là nhiệm vụ đơn giản. Và để phát huy hiệu quả, tuyệt đối, ngoài vai trò chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, sự cống hiến hết mình của những nhân viên y tế, rất cần sự chủ động, tự giác của mỗi cá nhân trong toàn xã hội.

Tại Việt Nam, sau khi ca bệnh thứ 17 nhiễm Covid-19 được công bố hôm 6-3, số ca mắc do tiếp xúc, đi cùng chuyến bay cũng liên tục tăng lên. Ngành y tế các cấp, các địa phương lại gấp rút vào cuộc để điều tra, khoanh vùng, để xác định các trường hợp tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp, tiếp xúc gần… Điều này cho thấy mức độ lây lan của Covid-19 rất nhanh chóng và mỗi cá nhân là một mắt xích hết sức quan trọng trong việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.

Và với mức độ lây lan nhanh chóng, không ai lường được ca nhiễm Covid-19 sẽ dừng lại ở con số bao nhiêu. Một cán bộ y tế làm việc trong lĩnh vực dự phòng lâu năm chia sẻ: “Khó khăn nhất trong phòng, chống dịch là sự bất hợp tác, thiếu trung thực của người dân. Vì nhiều lý do, họ sẵn sàng che giấu, khai gian thông tin bản thân, lịch trình di chuyển, quá trình tiếp xúc. Khi các yếu tố dịch tễ không được ghi nhận chính xác, kịp thời thì các biện pháp triển khai sau đó, sự nỗ lực của bao nhiêu con người cho phòng, chống dịch cũng bị ảnh hưởng”!

Chỉ thêm một ca bệnh mới xuất hiện, cả hệ thống chính trị và cơ quan chức năng lại phải vào cuộc, đầu tư công sức... để phòng chống, hạn chế lây lan; hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó; trẻ con không được đến trường, sinh hoạt gia đình đảo lộn, thu nhập giảm... Hiệu ứng domino (phản ứng chuỗi) trong dịch bệnh không phải chưa từng xảy ra và hiện nay, thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng cũng đang đối mặt từ Covid-19.

Sẽ thật thiếu sót khi bàn về trách nhiệm cá nhân mà chúng ta quên đi những nỗ lực của Chính phủ nói chung, của Đà Nẵng nói riêng trong công tác phòng, chống Covid-19 trong đợt đầu vừa qua. Nhờ kiểm soát tốt mà trong một thời gian dài, số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam chỉ dừng lại ở con số 16, các ca bệnh cũng đã hoàn toàn khỏe mạnh.

Cũng nhờ kiểm soát tốt mà Đà Nẵng trong suốt 54 ngày, kể từ khi tiếp nhận trường hợp nghi nhiễm Covid-19 đầu tiên (14-1), chúng ta không ghi nhận trường hợp dương tính nào. Hơn 1.000 công dân trở về từ vùng có dịch được cách ly theo dõi nghiêm ngặt, hơn 260 người nghi nhiễm được tiếp nhận, cách ly để chẩn đoán, loại trừ nguy cơ. Những con số cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát dịch bệnh nếu toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, ngành, nhân viên y tế và vai trò mỗi cá nhân được huy động tối đa.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.