Lãng phí trong đào tạo

.

Có thể nói, chưa năm nào công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng phải đối diện với khó khăn rất lớn như năm nay. Đó là việc không thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu.

Điều này đến từ cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Về yếu tố khách quan, Covid-19 đã tác động tiêu cực lên tất cả mọi lĩnh vực kinh tế, đời sống, trong đó có việc tuyển sinh, dạy nghề của địa phương. Về yếu tố chủ quan, đó là sự cạnh tranh quyết liệt trong công tác tuyển sinh giữa các trường đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Sẽ không có gì đáng nói nếu đó là sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng, với phương thức tuyển sinh mà qua đó bảo đảm việc sàng lọc những học sinh có năng lực vào học các trường đại học, những học sinh còn lại học các trường nghề. Điều này không chỉ có lợi cho cá nhân mỗi học sinh, gia đình mà xa hơn là bảo đảm cân đối cơ cấu về tỷ lệ trình độ nghề nghiệp trong xã hội.

Thế nhưng, tiếc rằng công tác tuyển sinh hiện nay không hoàn thành được sứ mệnh quan trọng này. Bởi, cánh cửa vào giảng đường đại học hiện nay không chỉ mở rộng mà có thể nói là mở... toang cho tất cả các học sinh tốt nghiệp THPT.

Khi công tác tuyển sinh ngày càng cạnh tranh gay gắt, không ít trường đại học bắt đầu tung ra nhiều chiêu “độc, lạ” để lôi kéo học sinh đến với trường của mình. Khi các trường đại học công lập phải thực hiện nguyên tắc “tự chủ về tài chính”, cũng là lúc việc siết chặt đầu vào lơi lỏng dần. Đối với các trường đại học dân lập, với nguyên tắc “kinh doanh phải có lãi”, đã thực sự tạo nên sự “hỗn loạn” chưa từng có tiền lệ trong công tác tuyển sinh.

Đó là chuyện phó giám đốc một trung tâm và cộng tác viên tuyển sinh ở một trường đại học viết thư nặc danh gửi đến hàng ngàn phụ huynh “dìm hàng” trường bạn, ngõ hầu thu hút học sinh về với mình. Đó là chuyện hàng trăm học sinh của một trường phổ thông bỗng nhiên nhận thông báo trúng tuyển vào trường đại học, mà nguyên nhân chỉ là trường này bằng cách nào đó đã có danh sách, địa chỉ liên lạc của các em... (!?)

Quay lại câu chuyện này với Đà Nẵng. Thành phố với hệ thống 15 trường đại học, học viện mỗi năm có quy mô tuyển sinh gần 40.000 chỉ tiêu. Trong khi đó, hệ thống 65 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại thành phố cũng có quy mô tuyển sinh lên đến 70.000 thí sinh mỗi năm. Như vậy, để “lấp đầy” học sinh vào các trường đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn  thành phố, số học sinh đầu vào phải lên đến hơn 100.000. Tuy nhiên, thực tế, số học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm ở thành phố chỉ xấp xỉ 1/10 con số này.

Cụ thể như trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2019-2020, Đà Nẵng chỉ có gần 11.000 thí sinh. Điều này cho thấy khoảng trống mênh mông giữa nguồn học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm và quy mô tuyển sinh các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố, cho dù đến học tại các trường không chỉ riêng học sinh ở Đà Nẵng, mà còn có học sinh đến từ các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Tuy vậy, các tỉnh, thành khác cũng đang “tranh nhau” mở trường đại học, chi nhánh trường đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại địa phương mình, thì số học sinh ngoại tỉnh đến thành phố Đà Nẵng học không thể nhiều như các trường mong đợi. Và hệ quả là nhiều năm qua, kết quả tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành phố chỉ đạt từ 30-40% kế hoạch. Riêng trong năm 2020 này, nhiều cơ sở dự đoán con số này sẽ rút xuống còn khoảng 20-30%. Khó khăn chắc chắn rất nhiều.

Năm 2017, thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, cả nước có đến trên 175.000 cử nhân, kỹ sư thất nghiệp đã làm nóng nghị trường Quốc hội và cả dư luận xã hội. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội và chuyên gia trong ngành đã chỉ ra việc mất cân đối trầm trọng trong đào tạo đại học và đào tạo nghề. Từ đó dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” gây lãng phí lớn cho gia đình và xã hội. Những tưởng rằng, cảnh báo đó sẽ làm nhiều người giật mình nhìn lại, để từ đó chọn cho mình một ngành nghề phù hợp với năng lực, cơ hội việc làm nhiều hơn.

Thế nhưng, nhiều học sinh và cả bậc phụ huynh vẫn sính cho con học đại học, bất luận sức học ra sao, tiêu chuẩn tuyển dụng các doanh nghiệp như thế nào... Kết quả đã rõ, rất nhiều cử nhân, kỹ sư đành phải chấp nhận làm xe ôm công nghệ, buôn bán trực tuyến... và nhiều ngành nghề không liên quan gì đến chuyên ngành đã được đào tạo trong trường đại học.

Hệ quả là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rơi vào tình cảnh ế ẩm không tuyển dụng đủ thí sinh, còn cử nhân miệt mài 4 - 5 năm học đại học để rồi... thất nghiệp. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không thể tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp hoặc sơ cấp. Sự lãng phí đến mức vô lý như thế này đến bao giờ mới chấm dứt? Câu hỏi này thật là khó có câu trả lời, khi chưa có sự thay đổi từ chính bản thân học sinh và phụ huynh.

THANH VÂN

 

;
;
.
.
.
.
.