An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn

.

Ngày 24-9, thành phố tổ chức hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” với sự tham gia của hầu hết các hiệp hội, hội ngành, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp của thành phố nhằm cùng tìm giải pháp để khôi phục sự phát triển kinh tế thành phố. Đây là hành động hết sức kịp thời, thể hiện sự quan tâm và coi trọng vai trò của cộng đồng doanh nghiệp đối với quá trình phát triển của thành phố, xem doanh nghiệp chính là động lực, sức khỏe của doanh nghiệp chính là yếu tố quyết định đến khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ đã được thành phố chủ động đưa ra từ việc hình thành các kịch bản tăng trưởng cụ thể cho năm 2022, các biện pháp và kế hoạch phòng, chống dịch và triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội theo từng cấp độ, đến kế hoạch tiêm phủ vắc-xin, các chính sách hỗ trợ về lãi suất, vay vốn, chính sách cho người lao động... nhằm giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng đề xuất nhiều giải pháp như: khơi thông dòng vốn, tạo điều kiện để doanh nghiệp có được nguồn vốn đã bị mất do đình trệ sản xuất sau thời gian phong tỏa, kể cả cách thức để bảo đảm sản xuất trong điều kiện dịch bệnh, thể hiện tinh thần trách nhiệm và quyết tâm rất cao của cộng đồng doanh nghiệp.

Điểm gặp nhau ở thông điệp “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn” thể hiện tinh thần nhất quán, đồng thuận từ tư duy đến hành động để thực hiện tốt mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa bảo đảm sản xuất phát triển”. Chỉ có an toàn chúng ta mới bảo đảm cho sản xuất phát triển, bài học về sự bùng phát dịch bệnh ở các khu vực tập trung đông công nhân, khu vực có nhiều cơ sở sản xuất những tháng gần đây cho thấy ý nghĩa của thông điệp này. An toàn của từng công nhân, an toàn trong từng phân xưởng sản xuất, an toàn trong từng nhà máy, xí nghiệp đến an toàn của cả cộng đồng thể hiện trách nhiệm của mỗi chúng ta trong việc bảo vệ sinh mạng của người dân là trước hết. “Còn người thì còn của”, khống chế xong dịch bệnh chúng ta sẽ khôi phục sản xuất.

Nhằm đạt được mục tiêu an toàn để sản xuất đòi hỏi nỗ lực từ cả hai phía, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp: Trước hết, là chuyển trọng tâm tư duy chống dịch từ “không có F0” sang “sống an toàn cùng F0” theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với cộng đồng doanh nghiệp. Thứ hai, cần có các hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí, tiêu chuẩn về an toàn phòng dịch, các kịch bản đối phó với các mức độ nguy cơ cho từng khu vực, từng loại hình sản xuất, mức độ thiệt hại và khả năng khôi phục.

Nâng cao năng lực cho hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở nhằm hỗ trợ ngay từ đầu các biện pháp phòng dịch cho doanh nghiệp và kiểm soát tình hình dịch tại doanh nghiệp. Thứ ba, đưa mục tiêu an toàn dịch bệnh trở thành tiêu chí cho các doanh nghiệp quay về sản xuất và cả cho các doanh nghiệp đầu tư mới, trong đó có việc bảo đảm chỗ ở cho công nhân, tiêm phòng vắc-xin, bảo đảm điều kiện cơ sở hạ tầng thực hiện “5K”. .

Thứ tư, nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như khai thông và hỗ trợ bảo đảm nguồn vốn, thúc đẩy xuất khẩu, bảo đảm giao thông thông suốt để cung ứng đủ nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, và cuối cùng là cần làm tốt công tác tuyên truyền để mỗi cá nhân, doanh nghiệp hiểu rõ tầm quan trọng của công tác an toàn là để phục vụ sản xuất, tránh tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng dịch.

Sức chịu đựng của nền kinh tế, của doanh nghiệp đang bị bào mòn trước tình hình dịch bệnh kéo dài. Đã đến lúc chúng ta cần thực hiện các biện pháp cấp bách để khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, để tránh việc đứt gẫy sản xuất do bùng phát dịch bệnh thì yêu cầu an toàn trở thành tiêu chí quan trọng để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

ĐẶNG VIỆT DŨNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích