ĐNO - Có lẽ trong lịch sử nhân loại hiếm có một chính khách tầm cỡ lãnh tụ lại có thể bộc bạch một cách giản dị, chân thành mà tâm huyết như câu trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo nước ngoài đến phỏng vấn Người vào ngày 21-1-1946, chỉ mấy tháng sau khi đất nước giành được độc lập: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”[1].
Bây giờ đọc lại những lời nói của Bác cách đây 75 năm, mỗi chúng ta vẫn cảm thấy xúc động không cùng. Bởi chính cả cuộc đời 79 năm của Người, “một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ” đã minh chứng cho lời nói đó.
“Phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào” chính là khát vọng cao cả của toàn dân tộc, đồng thời cũng là ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là mục tiêu phấn đấu của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[2].
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân cũng đồng nghĩa với lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Người từng nói: "Mục đích của chủ nghĩa xã hội là gì? Nói một cách đơn giản và dễ hiểu là: không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động"[3].
Cụ thể hơn, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến bộ, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội"[4].
Cho đến phút cuối đời, trong Di chúc của mình, Người căn dặn: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều nǎm chiến tranh…Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Chính vì thấu hiểu di nguyện cao cả thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà trong 5 Lời thề trước anh linh Người của bản Điếu văn do cố Tổng Bí thư Lê Duẩn thay mặt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đọc tại Lễ truy điệu được tổ chức long trọng tại quảng trường Ba Đình Hà Nội vào sáng ngày 9-9-1969 có Lời thề thứ 2 thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện: “Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và Cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào”.
Với đại thắng mùa Xuân lịch sử 1975, dân tộc ta đã hoàn thành xuất sắc lời thề thứ nhất với Bác, “quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước”. Kể từ cột mốc lịch sử ấy, suốt 46 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cả hệ thống chính trị và động viên các tầng lớp nhân dân không ngừng phấn đấu trong sự nghiệp chiến thắng đói nghèo lạc hậu, nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thu hẹp dần khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, giữa nông thôn và thành thị. Đời sống vật chất và tinh thần của của nhân dân, kể cả những người yếu thế trong xã hội, đã được cải thiện đáng kể.
Câu khẩu hiệu “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đã trở thành mệnh lệnh của trái tim mỗi người dân, trở thành định hướng trong lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận trong hệ thống chính trị. Hàng trăm nghìn những hành động, nghĩa cử trong cộng đồng; và điều quan trọng hơn là nhiều dự án kinh tế lớn của Nhà nước và doanh nghiệp đã hướng tới những vùng khó khăn ở miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng bị ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá một trong những kết quả của nhiệm kỳ Đại hội XII trong công tác an sinh xã hội, đó là “…chúng ta đã kịp thời khống chế, cơ bản kiểm soát, ngăn chặn được sự lây lan của đại dịch Covid-19 trong cộng đồng; hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân; từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh, nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2020 và cả giai đoạn 2016 - 2020… thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch Covid-19 thành công; vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân”.
Trong các bài học mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng rút ra từ thực tiễn công cuộc đổi mới, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đã nhấn mạnh bài học “lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.” Từ đó, đại hội đã đề ra nhiệm vụ “Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.
Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại. Bảo đảm cung cấp và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là đối với người nghèo, người yếu thế trong xã hội, quan tâm chăm sóc bảo vệ sức khoẻ của nhân dân”. Khi đề cập đến khát vọng hùng cường của dân tộc, đại hội cũng gắn liền với hạnh phúc của từng người dân, thể hiện trong tầm nhìn đến năm 2045, thời điểm chúng ta kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành một nước có trình độ phát triển cao, nhân dân được “Hạnh phúc”.
Hiện thực hóa di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào là một quá trình lâu dài, nhiều chặng đường với những tiêu chí ngày càng được nâng lên. Bên cạnh những thuận lợi rất cơ bản, vẫn còn nhiều thử thách chưa lường trước trong bối cảnh thế giới không ngừng biến động.
Một trong những thử thách khắc nghiệt mà đất nước ta đang phải đương đầu hiện nay, ngay trong những ngày này, đó là đại dịch Covid-19 trở lại lần thứ tư với mức độ, phạm vi, cường độ, hậu quả to lớn hơn hẳn những đợt trước đây. Hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đều bị dịch bệnh tràn qua, kể cả thủ đô Hà Nội và những đô thị lớn. Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước và hàng loạt các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nhiều mặt do đại dịch gây ra.
Thành phố Đà Nẵng của chúng ta cũng đang căng mình chống chọi với độ lây lan dịch bệnh diễn ra từng ngày. Những biện pháp mạnh chưa được áp dụng ở các đợt dịch trước thì nay đã phải thực hiện trên toàn địa bàn thành phố. Tuy nhiên, ngay cả trong những ngày đang sống trong trung tâm dịch bệnh, khát vọng “Phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào” vẫn không hề thay đổi mà càng thôi thúc cả hệ thống chính trị phải tìm mọi biện pháp, mọi nguồn lực để nhanh chóng vượt qua đại dịch, trở lại với nhịp sống bình thường mới.
Thành bại trong việc thực hiện “mục tiêu kép” chống lại những “thách thức kép” trong những ngày này có thể coi là thước đo lòng quyết tâm của cả dân tộc ta thực hiện những mục tiêu cụ thể mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn; trung thành với mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó còn là thước đo phẩm chất, năng lực, sự tận tụy vì dân của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, những người mà Hồ Chủ tịch gọi là “công bộc” của dân, vừa là lãnh đạo vừa là “người đầy tớ trung thành” của nhân dân.
Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm, chúng ta tin tưởng rằng với sức lan toản vô cùng mạnh mẽ và sức thuyết phục lớn lao của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngay trong cuộc sống hiện tại, toàn Đảng, toàn quân toàn dân ta sẽ thực hiện thành công di nguyện của Người, cũng là khát vọng chung của cả dân tộc, xây dựng một đất nước Việt Nam phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.
NẠI HIÊN
[1] Báo Cứu quốc, ngày 21-1-1946. In lại trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.187-188.
[2] “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, Báo Cứu quốc, số ra ngày 17-10-1945. In lại trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.64
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,1995, tr.271.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,1995, tr.191