Thời sự và bàn luận

Viết tiếp trang sử truyền thống

09:04, 29/03/2023 (GMT+7)

Ngày 29 tháng Ba năm 1975 mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Đà Nẵng. Tâm khảm mỗi người dân thành phố sẽ mãi khắc ghi dấu ấn sâu đậm khoảnh khắc 30 giờ thần tốc tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công đầy dũng mãnh, táo bạo, khôn khéo của các lực lượng vũ trang kết hợp sự nổi dậy mạnh mẽ, đều khắp của các tầng lớp nhân dân, tiến đến làm chủ hoàn toàn thành phố, hạn chế thấp nhất đổ máu, sớm ổn định tình hình trật tự trị an xã hội, làm nên kỳ tích kết thúc 21 năm chiến đấu hy sinh bằng một chiến công to lớn và trọn vẹn. Chiến công giải phóng Đà Nẵng xứng đáng là bản anh hùng ca cách mạng về lòng yêu nước, đức hy sinh, tinh thần quả cảm, ý chí cách mạng của quân và dân ta; đã trở thành tài sản vô giá của dân tộc và quê hương, trở thành truyền thống được lưu giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ người Đà Nẵng.

Từ cột mốc chiến thắng 29 tháng Ba 1975 đến nay, thành phố đã đi tiếp những chặng đường đầy gian nan thử thách, đầy nỗ lực hy sinh và đầy phấn khởi tự hào, tất cả vì sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố lớn mạnh sau chiến tranh. Thấm thoắt đã 48 năm! Những thành tựu to lớn mà thành phố đã đạt được trong gần nửa thế kỷ qua cũng xứng đáng trở thành một trang sử mới, một truyền thống mới để các thế hệ của ngày hôm nay tiếp tục lưu giữ và phát huy; thực sự trở thành điểm tựa cho thành phố vươn lên những thành tựu mới mẻ và ấn tượng hơn.

Từ truyền thống “trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” của Quảng Nam – Đà Nẵng; từ truyền thống “thành phố anh hùng” của Đà Nẵng hôm qua, chúng ta lại có thêm truyền thống của một thành phố năng động, sáng tạo, táo bạo, đột phá trong sự nghiệp đổi mới. Ngọn lửa truyền thống vẫn luôn được tiếp thêm năng lượng, bề dày truyền thống vẫn luôn được vun đắp. Truyền thống vẫn hiện diện ngay trong cuộc sống hôm nay.

Trong những ngày tháng Ba lịch sử này, thành phố Đà Nẵng đang thực sự chuyển mình sau hơn 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19 với biết bao hậu quả hết sức nặng nề về tinh thần và vật chất. Hai từ “bứt phá” được nhắc lại, như một dấu ấn của bản lĩnh vượt lên thách thức của người Đà Nẵng. Không nói đâu xa, chỉ mới cách đây chưa lâu, khi đại dịch còn đang hoành hành, lần đầu tiên Đà Nẵng tăng trưởng âm trong năm 2020. Năm 2021, gượng dậy, tăng trưởng cũng chỉ đạt 0,18%. Nhưng năm 2022, Đà Nẵng tăng trưởng 14,05% so với năm 2021, đứng thứ 3 cả nước.

Năm 2022 và đầu năm 2023 đã chứng kiến sự hồi phục của kinh tế thành phố với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, tiến tới tăng tốc và phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Ngay khi xuất hiện những tín hiệu khả quan sau đại dịch, công tác quy hoạch thành phố với lộ trình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được triển khai. Các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 được chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. Người dân ở các khu dân cư đã có thể cảm nhận được sự hối hả của nhịp điệu những công trình đang thi công nhằm sớm về đích. Lĩnh vực xúc tiến đầu tư được kịp thời đẩy mạnh; một số tập đoàn lớn của nước ngoài đã đến làm việc với lãnh đạo thành phố về định hướng, quy hoạch phát triển và kế hoạch triển khai các dự án trên nhiều lĩnh vực. Những đường bay truyền thống được mở lại.

Những du khách đầu tiên trên các chuyến bay thương mại quốc tế đã đến với Đà Nẵng báo hiệu sự hồi phục của ngành kinh tế mũi nhọn thành phố. Chúng ta đã tìm ra cơ hội bứt phá ngay khi thời cơ thuận lợi đang đến. Trong chiến tranh, quân và dân ta đã từng “thần tốc”, “táo bạo”, dũng mãnh xông lên chiếm lấy thời cơ thì trong xây dựng một thành phố từ nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá bởi chiến tranh, ý chí “bứt phá” để trở thành một thành phố hiện đại, văn minh, an bình, đáng sống - đó phải chăng cũng là một nét phẩm chất truyền thống của Đà Nẵng trong đổi mới!

Những người Đà Nẵng đã trải qua chiến tranh, đã trở thành những nhân chứng cho truyền thống chống ngoại xâm năm xưa, hẳn cũng rất tự hào khi trực tiếp chứng kiến truyền thống ấy được tiếp nối - và không chỉ tiếp nối mà còn được phát triển, bổ sung  qua 48 năm xây dựng thành phố. Chúng ta thường nói tới truyền thống lịch sử - truyền thống cách mạng, truyền thống chiến đấu chống ngoại xâm. Nhưng truyền thống xây dựng kinh tế sau chiến tranh của Đà Nẵng cũng đã và sẽ trở thành những bài học to lớn để góp thêm hành trang đi tiếp chặng đường mới.

Bài học chung cho chúng ta, bài học muôn thưở, đó là bài học về lòng yêu nước, yêu quê hương, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của quê hương đất nước. Nhưng còn nhiều bài học truyền thống giá trị khác, đó là ý chí quyết tâm vượt khó, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu thách thức, dám chịu trách nhiệm, để  xây dựng thành phố có được cơ ngơi như hôm nay. Quả thật, có điều kiện để sống chậm, để nhìn lại và suy ngẫm về những công trình hạ tầng kỹ thuật, những công trình dân sinh đang mọc lên hàng ngày trên thành phố những năm qua, mới càng thấy lịch sử phát triển của thành phố cần có những người có tầm nhìn xa rộng, mang ý chí quyết tâm sắt đá không lay chuyển, mang khát vọng cháy bỏng về một quê hương an bình, văn minh hiện đại và quyết tâm hiện thực hóa bằng được những khát vọng ấy.

48 năm đã trôi qua. Truyền thống chiến đấu chống ngoại xâm, truyền thống xây dựng hòa bình đã thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho thành phố tương lai. Tương lai thành phố sẽ mang những màu sắc mới mẻ hơn những gì diễn ra hiện tại. Thành phố đã và sẽ tiếp cận nhiều hơn đến những thành tựu của công nghệ 4.0. Trước đây, những khái niệm như công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm…là những thuật ngữ còn xa lạ thì nay nó đã hiện hữu ngay trong những khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung giữa lòng thành phố. Chủ trương xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới khởi nghiệp sáng tạo, gắn với xã hội số, kinh tế số, chính quyền số không còn là những từ ngữ trong các nghị quyết mà đã trở thành hiện thực đời sống. Thành phố từ chỗ phấn đấu không có người mù chữ nay đã trở thành thành phố thông minh, đang ấp ủ mô hình kiến trúc tổng thể cho một thành phố thông minh trong thế giới hiện đại sẽ ra sao...

Một thế hệ công dân mới, thế hệ 9X, thế hệ Gen Z sẽ là chủ nhân sử dụng và điều hành thành thạo các thiết bị kỹ thuật số và thiết bị điện tử tinh vi. Có gì liên quan giữa những công dân trẻ tuổi không hề biết đến chiến tranh, những “công dân của thời đại kĩ thuật số”, những “công dân toàn cầu” này với những giá trị truyền thống của con người Việt Nam, con người Đà Nẵng? Chắc chắn là những bài học về sự táo bạo, thần tốc chiếm lĩnh kỹ thuật công nghệ mới, dám nghĩ dám làm, dám đương đầu thử thách, mang ý chí và khát vọng vươn lên của dân tộc, của quê hương trong thời đại toàn cầu hóa vẫn sẽ là những bài học truyền thống không hề cũ đối với thế hệ tương lai. Ngọn lửa truyền thống vẫn được thắp sáng. Và chỉ như vậy, chúng ta mới thực hiện phương châm “đi tắt, đón đầu”, từ một nước chậm phát triển, đang phát triển, vượt lên, sánh vai cùng các quốc gia tiên tiến trong thời đại ngày nay.

NẠI HIÊN

.