Thời sự và bàn luận
Khi dân cần Mặt trận có, khi dân khó Mặt trận sẵn sàng tham gia
Trong bài phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X (nhiệm kỳ 2024-2029) vừa tổ chức thành công tốt đẹp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, nhấn mạnh thông điệp đặc biệt quan trọng: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận theo hướng thiết thực, sâu sát với dân, đồng hành cùng dân, “khi dân cần Mặt trận có, khi dân khó Mặt trận sẵn sàng tham gia”. Đây chính là sứ mệnh của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế với nhiều cơ hội và thách thức lớn đan xen, sự phát triển công nghệ, biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề khác đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận là điều tất yếu.
Phương thức vận động, tập hợp của Mặt trận phải đa dạng, phong phú về loại hình, sinh động về nội dung, trở thành diễn đàn quần chúng, nơi các tầng lớp nhân dân thuộc các giới, giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài... gặp gỡ, trao đổi thông tin, bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng, đối thoại dân chủ, cởi mở.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Mặt trận cần phải thiết thực, sâu sát với dân, nghĩa là các hoạt động của Mặt trận phải thực sự gắn kết và đáp ứng những nhu cầu cấp bách của người dân. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi từ tư duy quản lý đến cách thức tổ chức các phong trào, chương trình hành động, các cuộc vận động sao cho phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương, để từ đó mang lại hiệu quả thiết thực. Mặt trận phải luôn hiện diện và sẵn sàng đồng hành người dân trong vai trò chăm lo, đại diện, bảo vệ lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của nhân dân; mục tiêu cao nhất là phục vụ nhân dân, làm cho cuộc sống của nhân dân tốt đẹp hơn.
Mặt trận không chỉ là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước mà còn là nơi lắng nghe, tập hợp ý kiến của dân để phản ánh lên các cơ quan quản lý, giúp đưa ra những chính sách đúng đắn và kịp thời. Khi dân khó Mặt trận sẵn sàng tham gia. Điều này nhấn mạnh vai trò hỗ trợ trực tiếp của Mặt trận khi người dân gặp khó khăn, bao gồm việc hỗ trợ vật chất cho người dân trong thiên tai, dịch bệnh, hay phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Trong các tình huống khó khăn gần đây, như đại dịch Covid-19 đã cho thấy rõ vai trò quan trọng của Mặt trận trong động viên tinh thần toàn dân đoàn kết chống dịch, phân phối viện trợ, hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn.
Để thực hiện tốt phương châm “đồng hành cùng dân”, Mặt trận cần lắng nghe và thấu hiểu những nhu cầu, khó khăn mà người dân đang đối mặt. Điều này có thể thực hiện thông qua việc tăng cường các kênh giao tiếp giữa Mặt trận và nhân dân, thông qua các hội nghị, diễn đàn, hoặc sử dụng công nghệ để lắng nghe ý kiến từ mọi tầng lớp xã hội. Mặt trận cần phát huy vai trò trong việc điều phối và huy động các nguồn lực xã hội. Trong nhiều trường hợp, chính Mặt trận là cầu nối giữa các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Mặt trận có thể huy động các nguồn lực từ xã hội để triển khai các chương trình an sinh xã hội, phát triển cộng đồng, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.
Để thực hiện tốt sứ mệnh của mình, Mặt trận cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác Mặt trận và đoàn thể có tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng, hết sức vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, thật sự gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, là tấm gương sáng để dân mến, dân thương, dân tôn trọng, dân tin cậy, dân chia sẻ.
Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại đại hội mang đến một thông điệp mạnh mẽ về sứ mệnh của Mặt trận trong thời kỳ mới: đồng hành, sát cánh cùng nhân dân trong mọi hoàn cảnh. Sự phát triển của đất nước phụ thuộc rất lớn vào sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mặt trận chính là tổ chức có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
CHU VĂN