Thời sự và bàn luận

Cùng nhau vượt qua bão, lũ

07:59, 10/09/2024 (GMT+7)

Miền Trung hằng năm phải đối mặt với nhiều đợt mưa, bão, lũ nặng nề, nên người miền Trung cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các vùng miền khác trên cả nước, từ vật chất đến tinh thần, nhân lực. Như sau cơn bão Xangsane năm 2006, chỉ sau một ngày bão tan, Đà Nẵng đã đón các đội hỗ trợ đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cắt cây, dọn dẹp và sửa chữa công trình công cộng. Nay bão số 3 (Yagi) đổ bộ miền Bắc, gây thiệt hại rất lớn, các đội nhóm tình nguyện miền Trung thông qua Thành đoàn Hải Phòng và mạng xã hội đã nhanh chóng có mặt tại Hải Phòng, Quảng Ninh để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão số 3.

Thành phố Đà Nẵng sẽ cử 4 đoàn công tác đến thăm hỏi và hỗ trợ 25 tỷ đồng để chia sẻ, động viên và kịp thời khắc phục hậu quả cho các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3.

Chị Lê Linh, trưởng nhóm tiếp nhận tình nguyện viên ở thành phố Hải Phòng cho biết, trong ngày hôm qua chị đón hơn 200 tình nguyện viên ở miền Trung đến hỗ trợ, trong đó có 70 người đến từ Đại học Huế, 50 người từ một công ty lữ hành ở Quảng Bình, nhóm tình nguyện Hội phản ứng nhanh PUN75 ở Huế với gần 100 thành viên. Nhóm SOS Đà Nẵng dự kiến đến Hải Phòng đêm ngày 9-9. Đặng Ngọc Tiến, Trưởng nhóm SOS Đà Nẵng cho biết, đoàn đến Hải Phòng với các phương tiện: xe cứu thương, xuồng cao su, máy phát điện, đèn pha lớn, máy cưa gỗ… sẵn sàng hỗ trợ. Sau khi hoàn thành công việc ở Hải Phòng, đoàn tiếp tục hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh vùng cao như Thái Nguyên, Yên Bái, Cao Bằng.

Những người con miền Trung “sáng - chắn bão giông, chiều - ngăn nắng lửa”, bao đời nay cứ phải oằn mình hứng chịu các đợt thiên tai, cũng nhận được ân tình của người dân cả nước hỗ trợ hết mình. Nay dõi theo tin tức từ cơn bão Yagi và giờ là đợt mưa lớn gây ngập lụt nặng nề, nhìn con nước lũ đục ngầu và tan hoang của làng quê vùng lũ, những con người khốn khó sau thiên tai, lòng người mấy ai yên. Nhìn những ngôi nhà bị tàn phá, tài sản tích góp trong nhiều năm bị cuốn trôi, ai mà không xót xa. Nên người miền Trung và người dân cả nước đang hướng về miền Bắc, hỗ trợ bà con miền Bắc cũng là tinh thần tương thân tương ái trong lúc khó khăn, hoạn nạn. 

Trong những biến cố thiên tai, cả nước từng nhiều lần hướng về “khúc ruột” miền Trung mỗi mùa mưa bão, hay chi viện cho miền Nam khi Covid-19 bùng phát mạnh. Giờ đây, miền Bắc đối mặt với thiên tai và đó là lúc cả nước cùng thể hiện nghĩa cửa cao đẹp “lá lành đùm lá rách” . Trong cơn bão, lũ, nghĩa đồng bào thiêng liêng, sâu sắc càng được khơi dậy, thể hiện qua sự hỗ trợ không chỉ bằng lời nói, sự sẻ chia mà còn bằng hành động cụ thể, thiết thực.

Thiên tai đến rồi cũng sẽ đi nhưng tình người, nghĩa đồng bào còn mãi. Sau mỗi khó khăn, con người Việt Nam lại can trường đứng lên, hun đúc thêm nghĩa tình để cùng nhau vượt qua gian khó.

HOÀNG NHUNG

.