Những điều nghe thấy

Xin được nói thêm

15:05, 10/08/2009 (GMT+7)

Ngày mồng 5 tháng 8 vừa qua có một sự kiện thoạt nhìn đơn giản, nhưng quả thật hết sức độc đáo, và có lẽ ít nơi đâu có thể xảy ra: người lãnh đạo cao nhất thành phố nói chuyện với hơn 130 đức ông chồng có hành vi nói nôm na là đánh vợ, chữ nghĩa hay dùng là hành vi bạo lực gia đình.

Không chỉ nói chuyện suông mà còn có hai việc cụ thể: các ông thường hay đánh vợ phải ký cam kết từ nay không dùng bạo lực với mẹ của những người con của mình nữa, và người lãnh đạo thành phố còn giao cho các cơ quan chức năng, trước hết là các cấp Hội phụ nữ điều tra, đề xuất cách thức hỗ trợ cho những gia đình túng quẫn về kinh tế, với ý nghĩa là sự nghèo khó thường là nguyên nhân sinh ra bạo lực. Khắp nơi hoan hô.

Các chị như được cởi tấm lòng: từ nay những trận đòn oan nghiệt sau mỗi cuộc nhậu của các ông chồng đã có thêm một cách răn đe hiệu nghiệm. Nếu ăn ở không khéo thì nhà bên cạnh dự biểu dương gia đình văn hóa, còn nhà mình sẽ được thành phố mời tham dự một thứ biểu dương không ai muốn: cuộc nói chuyện với những người đánh vợ!

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Có ý kiến nếu hôm đó mà lãnh đạo thành phố mời thêm cả mấy bà thường có bạo lực với chồng nữa thì cũng là điều có lý. Tuy không nhiều, nhưng không phải là không có. Làm sao cho những người phụ nữ, thôi không chanh chua, xỉ mắng mẹ chồng, biết đối xử với nhà bên chồng hiếu thảo, chu toàn.

Biết kính trọng và yêu thương cha mẹ chồng như cha mẹ mình. Thường những bậc cha mẹ chồng về già chỉ biết nương tựa vào con trai, nhất là con trai trưởng, việc chăm bón chén cơm nóng, bát canh ngọt mỗi ngày, và hơn thế là thái độ ăn ở của con dâu là điều không phải nhà nào cũng có thể vẹn toàn. Làm sao cho mấy chị thôi cái kiểu mỗi lần thấy mẹ chồng là lấy chuyện của con cái ra nói xách mé, có khi bổ bả, cơm thường không đúng bữa, nói năng thiếu sự kính trọng cần thiết, có ai nhắc thì “đây không phải là đầy tớ mà hầu hạ suốt đời”. Có người mẹ chồng nào nghe vậy mà nước mắt không trào ra?

Rồi cũng có chị nong nia cạp lại, hạnh phúc sau nhiều khi không xóa hết những tính toán hẹp hòi, có chị đã hành hạ đến đau lòng con riêng của chồng, những cơn ghen vô cớ với người vợ trước của chồng đã biến những đứa bé ngây thơ trở thành nạn nhân, mà những vết thương tâm lý sẽ hằn sâu trọn đời. “Mồ côi cha ăn cơm với cá/Mồ côi mẹ liếm lá đầu đường” lẽ nào vẫn là điều phổ biến? Trong tất cả những điều làm nên cái đạo vợ chồng, cái thần cốt để có một gia đình hạnh phúc, trung tâm vẫn là quan hệ của hai nhân vật chính: chồng và vợ.

Cuộc sống muôn màu, có trường hợp người vợ bây giờ là trụ cột kinh tế của gia đình, là niềm tự hào của con cái, nhưng không phải lúc nào ăn ở với chồng cũng đằm thắm, nhẹ nhàng. Cho nên, rất mong việc lãnh đạo gặp những vị vũ phu, ký cam kết từ nay xin chừa cái thói đánh vợ, hành con, thì cũng mong các chị, xin nói lại, không nhiều, cũng nên thường xuyên xem xét lại mình. Mục đích cuối cùng là nhằm tạo ra một gia đình ấm êm, hạnh phúc. Mà như người ta thường hay nói, không ai có thể vỗ tay bằng một bàn tay.            

NGHỊ VĂN

.