Những điều nghe thấy

Mất bò vẫn chưa lo làm chuồng

07:44, 04/11/2013 (GMT+7)

Sau bão số 11, người dân các tổ dân phố số 4, 5 phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) đinh ninh thế nào cơ quan chức năng cũng triển khai việc gia cố, hạn chế tình trạng bờ biển bị xâm thực suốt mấy tháng nay. Thế nhưng, điều họ kỳ vọng không diễn ra. Không hề có đơn vị nào thực hiện, cho dù là giải pháp tạm thời.

Mấy tháng gần đây, cứ sau mỗi cơn bão, tại khu vực này, bờ biển lấn sâu vào đất liền khoảng 10m. Hàng chục ha đất vườn, đất ở, hàng nghìn cây phi lao, cây dừa nhiều năm tuổi cũng như ngôi nhà của đơn vị triển khai dự án cải tạo Kho Xăng dầu K83 Quân đội gần đó, đường bê-tông dọc khu dân cư… đã biến mất. Trong khi, hiện tại, một số ngôi nhà chỉ cách bờ biển chừng 5-6 mét.   

Từ thông tin trên báo chí, Thường trực Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng biết về tình trạng xâm thực bờ biển tại 2 tổ 4, 5 phường Hòa Hiệp Bắc và đã chỉ đạo khắc phục. Từ giữa tháng 9 đến nay, nhiều công văn chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố gửi các cơ quan chức năng và địa phương kiểm tra, có biện pháp khắc phục và báo cáo kết quả giải quyết.

Đồng thời, lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương yêu cầu Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội phối hợp với đơn vị tư vấn khẩn trương lập hồ sơ xin phép xây dựng các hạng mục chưa xây dựng và đánh giá tác động môi trường, đề xuất giải pháp khắc phục, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định trong tháng 10-2013… Thế nhưng, gần 2 tháng qua, vẫn chưa có quyết định về giải pháp khắc phục tình trạng xâm thực bờ biển và hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cải tạo Kho Xăng dầu Quân đội K83!  

Phải nói rằng, ngăn chặn tình trạng xâm thực bờ biển tại tổ 4, 5 phường Hòa Hiệp Bắc đang dừng ở báo cáo và chỉ đạo bằng văn bản mà không có giải pháp cụ thể, quyết liệt tại hiện trường. Nói đúng hơn, sự việc này đang lâm vào tình trạng chỉ đạo, họp hành nhiều, nhưng không ai đôn đốc, theo dõi, triển khai. Vì thế, trước thực trạng bờ biển bị lấn sâu vào đất liền nghiêm trọng như vậy, chính quyền các cấp, cơ quan chức năng ở Đà Nẵng cần khảo sát, đánh giá kịp thời, qua đó triển khai ngay giải pháp khắc phục; quy trách nhiệm đơn vị gây hậu quả chứ không thể để kéo dài, dây dưa như vừa qua.

Bởi nếu chậm trễ, trong mùa mưa bão này, bờ biển sẽ bị xâm thực nặng hơn, những ngôi nhà tại đây tiếp tục bị sóng biển đe dọa, đường sắt Bắc Nam có nguy cơ bị cắt đứt… Liệu có xảy ra tình trạng khi một số ngôi nhà ở tổ 4 và tổ 5 bị sóng biển đánh sập mới triển khai giải pháp đối phó, theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Ai chịu trách nhiệm về sự chậm trễ gây hậu quả nghiêm trọng này? Câu hỏi này cần được làm rõ.

NGUYỄN CẦU

.