.

Khắc phục ô nhiễm tại âu thuyền Thọ Quang: Cần biện pháp mạnh

.
Ô nhiễm môi trường tại âu thuyền Thọ Quang là điểm nóng từ nhiều năm nay. Cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục, có cả rải hóa chất khử mùi hôi, xử phạt các doanh nghiệp (DN) chế biến hải sản xuất khẩu vi phạm quy định xả nước thải, đưa Trạm xử lý nước thải của KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, công suất 3.000m3/ngày đêm vào hoạt động…
Mô tả ảnh.
Cá tạp chất đống trên cầu cảng nhiều tiếng đồng hồ, chất thải xả xuống âu thuyền là thủ phạm gây ô nhiễm.
 
Gần đây, sau chuyến kiểm tra của lãnh đạo thành phố, một số giải pháp có tính khả thi và bền vững cũng đã được đặt ra như nạo vét đáy âu thuyền, mở rộng quy mô Trạm xử lý nước thải, nâng công suất lên 10 nghìn m3/ngày đêm, đặt máy bơm công suất lớn bơm thông thủy tại âu thuyền…

Sẽ rất khó giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm tại âu thuyền Thọ Quang nếu không có giải pháp mạnh đối với 3 hoạt động vốn là thủ phạm gây ô nhiễm. Trước hết là nước thải chưa qua xử lý, hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu từ KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng. Mặc dù hiện nay đã có Trạm xử lý nước thải, song công suất thấp, không đáp ứng yêu cầu xả thải từ các nhà máy. Theo ông Phạm Văn Ngợi, tổ trưởng quản lý vận hành trạm, việc xử lý chỉ đạt yêu cầu khi lượng nước thải được thu gom về tối đa đến 3.000m3/ngày đêm. Trong khi đó, hoạt động chế biến hải sản thất thường, lúc nhiều, lúc ít. Có ngày thu gom 4.500-5.000m3, vì vậy chất lượng xử lý không đạt yêu cầu. Xả trộm ra cống ngầm không qua hệ thống thu gom có thể vẫn xảy ra, bởi phí xử lý nước thải không hề thấp: 4.900 đồng/m3. Không quyết liệt trong kiểm tra rất khó phát hiện tình trạng này vì việc xả nước thải đều được thực hiện dưới lòng đất.

Nhìn vào con số nước thải của từng nhà máy thu gom về trạm sẽ thấy rõ điều đó. Trong tháng 8 vừa qua, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước có 24.497m3, Công ty chế biến xuất khẩu Thọ Quang: 14.100m3, Công ty D&N 13.399m3, Công ty TNHH Bắc Đẩu: 6.048m3, Công ty TNHH Đại Phúc: 873m3, Công ty TNHH Hải Thanh: 1.775m3, Công ty CP Procimex Việt Nam: 1.254m3… Tuy nhiên, theo các cán bộ công tác lâu năm trong lĩnh vực chế biến thủy sản, lượng nước thải như vậy là thấp, bởi hoạt động này sử dụng lượng nước rất lớn. Từ nay đến khi công suất Trạm xử lý nước thải nâng lên 10 nghìn m3/ngày đêm, chắc chắn âu thuyền sẽ còn phải gánh chịu hậu quả chất thải chưa qua xử lý, hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu xả ra.

Với hơn 100 tấn hải sản qua cảng/ngày, Cảng cá Thọ Quang cũng là thủ phạm gây ô nhiễm. Hải sản về cảng, nhất là loại chất lượng thấp, khi đưa lên cầu cảng, đứng gần đã cảm thấy ngộp thở, khó chịu. Khi bốc lên xe chở đi, chất thải còn lại chỉ có lối duy nhất là xuống âu thuyền. Liên tiếp ngày này sang ngày khác như vậy, ô nhiễm là tất nhiên.

Ngày nào cũng có hàng chục đến hàng trăm tàu thuyền vào âu thuyền neo đậu, nhận trả hàng và nghỉ ngơi chờ ra khơi. Thời điểm gió bão, tàu lưu lại đó nhiều tuần. Đa số tàu vào âu thuyền đều của ngoại tỉnh, tàu là nơi trú ngụ của ngư dân. Và như vậy, ngày nào âu thuyền cũng trở thành nhà vệ sinh cho hàng trăm, có khi hàng nghìn người. Đó là chưa kể tất tần tật chất thải từ sinh hoạt, ăn uống của ngư dân trên tàu đều lấy âu thuyền làm bãi thải. Có nạo vét, bơm hút thường xuyên cũng khó tránh ô nhiễm môi trường tại đây.

Các giải pháp mạnh, rất tốn kém liệu có khả thi khi mà thủ phạm gây ô nhiễm không phải dễ loại trừ?

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu    
;
.
.
.
.
.