(ĐNĐT) - Tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ kiến nghị ngừng tích nước hồ thủy điện Sông Tranh 2 nếu không khắc phục xong sự cố rò rỉ nước trước mùa mưa bão năm nay nhằm đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của nhân dân.
Kiểm tra, đánh giá nguyên nhân đập thủy điện Sông Tranh 2 rò rỉ nước. Ảnh: Thanh Tuyền |
Ngày 18-4, đoàn công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải dẫn đầu có chuyến kiểm tra, đánh giá nguyên nhân và bàn giải pháp khắc phục sự cố rò rỉ nước tại đập thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My).
Đoàn công tác đã thị sát đường hầm gom nước nằm trong lòng đập chính thủy điện Sông Tranh 2 và kiểm tra việc xử lý, thu gom nước tại đây để đánh giá mức độ thấm nước qua thân đập. Sau khi thị sát đường hầm gom nước, đoàn công tác có buổi làm việc với Ban quản lý dự án thủy điện 3, chủ đầu tư công trình.
Theo báo cáo của chủ đầu tư công trình thủy điện Sông Tranh 2, tính đến ngày 31-3 đã thu gom được 95% lượng nước thấm qua thân đập về các hành lang gom nước. Đa số các vị trí thấm ra hạ lưu tại các khe nhiệt hiện chỉ còn làm ẩm bề mặt bê-tông, một số khe nhiệt còn chảy nhưng lượng nước rất nhỏ.
Trước đó, từ ngày 22 đến 31-3, các đơn vị đã khoan 9 lỗ gom nước với được kính 100mm để thu gom nước vào các hành lang trong thân đập.
Hiện nay, tổng lưu lượng thấm chảy qua thân đập là 75 lít/giây được đánh giá là cao nên chủ đầu tư tiến hành một số biện pháp nhằm giảm lưu lượng thấm chảy qua thân đập như: khoan, phụt keo chống thấm Poluyrethan ở phía thượng lưu đập đối với các khe nhiệt có lưu lượng thấm lớn. Bên cạnh đó, dán tấm nhựa SR (vật liệu chặn nước) ở bề mặt thân đập phía thượng lưu.
Tại buổi làm việc này, nhiều ý kiến của đoàn công tác tỉnh Quảng Nam lo ngại liệu với lưu lượng thấm chảy 75 lít/giây như hiện nay có nằm ở ngưỡng cho phép hay không? Nếu so sánh với một số đập thủy điện cùng quy mô và công nghệ thì như thế nào? Mực nước hồ hiện nay là 155m trong khi khe nhiệt hở 6mm thì lớn hay nhỏ? Trong khi đó, một số thiết bị quan trắc đặt trên thân đập không có tác dụng…
Đoàn công tác cũng yêu cầu chủ đầu tư cần có lộ trình và thời gian khắc phục sự cố; cần rõ ràng và minh bạch trong quá trình khắc phục để người dân yên tâm.
Trước những lo ngại này, ông Trần Văn Hải, Giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Sông Tranh kiêm Trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, đã không trả lời thấu đáo những vấn đề mà đoàn đã đặt ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh cho rằng, cần xem xét lưu lượng nước thấm chảy như hiện nay (75 lít/giây - PV) ảnh hưởng thế nào đến an toàn của đập. Ông Thanh yêu cầu chủ đầu tư cần phối hợp với địa phương để tiến hành lắp đặt các máy quan trắc trong thời gian sớm để đo đạc, thu thập số liệu về động đất; xây dựng phương án di dời nhân dân, phương án ứng phó sự cố vỡ đập khi có tình huống xấu xảy ra.
Nếu chủ đầu tư và các đơn vị liên quan không khắc phục xong sự cố thấm chảy nước qua thân đập thủy điện Sông Tranh 2 trước mùa mưa bão năm nay thì Quảng Nam sẽ đề nghị Chính phủ không cho tích nước đối với hồ thủy điện này nhằm đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của nhân dân cũng như của Nhà nước.
THANH TUYỀN