Môi trường

Cô gái Đà Nẵng lọt top 10 ứng viên cho giải thưởng toàn cầu về bảo tồn thiên nhiên

17:16, 24/11/2014 (GMT+7)

ĐNĐT - Giải thưởng uy tín quốc tế Future for Nature Award 2015 dành cho các nhà bảo tồn trẻ của thế giới đã có những hoạt động xuất sắc trong công tác bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã vừa công bố danh sách 10 ứng viên đến từ các quốc gia trên thế giới.

Với Chiến dịch bảo tồn loài voọc chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), một loài linh trưởng đẹp nhất trên thế giới, nằm trong Sách đỏ có nguy cơ diệt chủng cao  tại bán đảo Sơn Trà,  Lê Thị Trang - cô gái Đà Nẵng với tuổi đời còn rất trẻ (28 tuổi) - là một trong số những nhà bảo tồn trẻ lọt top 10 ứng viên sẽ vinh dự tranh giải thưởng lần này.

Lê Thị Trang – Nhà bảo tồn trẻ lọt vào Top 10 của Future for Nature Award 2015
Lê Thị Trang - nhà bảo tồn trẻ lọt vào top 10 ứng viên cho giải thưởng của Quỹ Future for Nature

Nỗ lực bảo vệ loài voọc chà vá chân nâu

Vượt qua những ứng cử viên “nặng ký” của thế giới trong các hoạt động bảo tồn hổ bengan, sư tử… tại các khu vực khó khăn nhất của thế giới, ở các quốc gia còn phân biệt về sắc tộc, giới tính, Lê Thị Trang đã lọt vào top 10 ứng viên cho giải thưởng của Quỹ Future for Nature (tạm dịch là Tương lai cho môi trường thiên nhiên).

Chia sẻ về cảm xúc hạnh phúc này, Trang chỉ khiêm tốn nói rằng: “Em là người may mắn”. May mắn lớn nhất theo Trang, đó chính là Đà Nẵng có Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà với giá trị to lớn về đa dạng sinh học. Có khu bảo tồn giá trị như thế để thực hiện công việc bảo tồn là một điều đáng hãnh diện và vô cùng quý giá.

Thế nhưng, để đạt thành tích đáng ghi nhận đó, phải kể đến hành trình bền bỉ mà Trang đã theo đuổi bằng tất cả tình yêu, đam mê và nỗ lực. Dự án đăng ký cho giải thưởng lần này của Trang được cho là đầy tính thực thi, hướng vào 4 mục tiêu lớn trong hành động bảo tồn loài chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà.

Đó là: nghiên cứu lại toàn bộ số liệu về loài voọc chà vá chân nâu. Từ kết quả nghiên cứu đó sẽ đưa thông tin đến những nhà bảo tồn để vận động chính sách, giúp chính quyền thành phố có những cân nhắc và tính toán hợp lý trong quy hoạch, đảm bảo không phá vỡ hệ sinh thái; đẩy mạnh truyền thông giáo dục đến với người dân; hướng tới đến năm 2020, loài voọc chà vá chân nâu sẽ trở thành biểu tượng đầy thân thiện của thành phố Đà Nẵng.

Tâm huyết với việc bảo tồn động vật hoang dã

Tự tin, năng động, nhiệt huyết - đó là những nét đáng yêu nhất có thể đọc được trên gương mặt của nhà bảo tồn trẻ. 28 tuổi và gần 10 năm dấn thân, tìm tòi, học hỏi và cống hiến cho hoạt động bảo tồn thiên nhiên ngay từ những ngày còn trên ghế nhà trường. Khi là sinh viên khoa Môi trường - Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Trang đã tự đứng ra thành lập một câu lạc bộ về môi trường và là một tình nguyện viên tích cực trong việc điều tra hoạt động săn bắn động vật hoang dã.

Sau khi tốt nghiệp, Trang làm việc trong nhóm dự án Mac Arthur khu vực miền Trung - Tây Nguyên của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), phụ trách khu vực từ Quảng Trị đến Gia Lai, nghiên cứu các hoạt động săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, và kết hợp với cơ quan chức năng tổ chức các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng.

Từ tháng 4 năm 2013, Trang về với GreenViet (Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học nước Việt xanh) với mong muốn góp công sức và kinh nghiệm để phát triển các chiến lược truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực, mở đầu với Chiến dịch bảo tồn loài voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà.  Những ngày đầu thành lập GreenViet, khi chưa có bất kỳ dự án nào tài trợ, làm bảo tồn “không công” là điều mà nhà bảo tồn trẻ đầy nhiệt huyết như Trang dám đương đầu.

2 năm qua, hàng loạt các chương trình truyền thông và giáo dục hiệu quả đã được Trang cùng nhóm GreenViet thực hiện như: Chương trình “Hiệp sĩ rừng Sơn Trà” triển khai thí điểm tại các trường học thuộc vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà như: Trường tiểu học Trần Quốc Toản, Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương; Trường THCS Lý Tự Trọng, Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, với những bài học trực quan và sinh động nhằm giáo dục ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã cho học sinh…

Thời gian cuối tuần của nhà bảo tồn trẻ dường như cũng trở nên khá bận bịu với những chuyến đi rừng. Chương trình “Tôi yêu Sơn Trà” được Trang và anh em GreenViet tổ chức vào mỗi Chủ nhật hằng tuần với các hoạt động như lên Sơn Trà ngắm Voọc, dọn rác thải… đã thu hút sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ Đà thành trong suốt gần 2 năm qua. 

Trang nói, qua những chuyến đi dã ngoại này, thông điệp mà nhóm muốn truyền đến các bạn trẻ không chỉ dừng lại ở chuyện vui chơi mà giúp các bạn nhận ra bán đảo Sơn Trà có giá trị như thế nào về đa dạng sinh học. Sơn Trà chỉ đẹp khi những giống loài động vật hoang dã được bảo vệ, hệ sinh thái được giữ gìn.

Một ngày cuối tuần dạo chơi Sơn Trà, có thể tình cờ bạn sẽ bắt gặp những nhóm sinh viên phượt bằng xe máy nhưng chẳng bao giờ gây ra những tiếng động ồn ào như bóp còi, rồ máy. Đó chính là nhóm phượt “Tôi yêu Sơn Trà” với sự tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc về bảo vệ môi trường sống của động vật hoang dã. Người đi cuối cùng của con đường ấy để đảm bảo rằng các sinh viên tham gia nhóm được an toàn sẽ là Trang.

Và ở nơi cuối con đường ấy, tôi đã nhận ra nhà bảo tồn trẻ - Lê Thị Trang - đầy tình yêu, trách nhiệm dành cho Sơn Trà xinh đẹp, ấp ủ ước mơ cho một tương lai không xa về ngày loài Voọc chà vá chân nâu sẽ trở thành biểu tượng của thành phố Đà Nẵng.

Quỹ Future for Nature ra đời nhằm mục đích hỗ trợ các nhà bảo tồn thiên nhiên trẻ tuổi có tài năng và đầy tham vọng với cam kết bảo vệ các loài động vật hoang dã và thực vật. Những cá nhân này thực hiện cam kết sẽ nỗ lực tạo ra sự khác biệt cho tương lai của tự nhiên. Thông qua sự lãnh đạo của mình, họ truyền cảm hứng và huy động chính phủ các nước, các tổ chức, nhà đầu tư và công chúng nói chung cùng tham gia vào công cuộc bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Mỗi năm, Quỹ Future for Nature thường hỗ trợ 3 nhà bảo tồn thiên nhiên trẻ xuất sắc với số tiền 50.000 Euro cho mỗi cá nhân.

Giải thưởng uy tín này không nhằm vinh danh cho những tổ chức nổi tiếng có nguồn tài chính mạnh mà thực chất tôn vinh những nỗ lực của các cá nhân trong việc tạo ra những sự khác biệt vì một tương lai tốt đẹp của môi trường. Đối với những người thắng cuộc, giải thưởng được xem như thành tựu mang tính đột phá mang tầm quốc gia và quốc tế. Chiến thắng giải thưởng danh giá này sẽ mở ra những cơ hội tiếp cận sự hỗ trợ từ những nhà tài trợ cũng những nhà hoạch định chính sách quan trọng.

Theo quy định của cuộc thi, người chiến thắng phải có tuổi đời dưới 35.

Đông Phương

.