Môi trường

Vấn đề cử tri quan tâm

Nước thải vẫn đổ ra biển

07:23, 05/12/2014 (GMT+7)

Cử tri quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn phản ánh tình trạng nước thải vẫn tiếp tục chảy ra biển. Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương cũng như làm xấu hình ảnh một bãi biển đẹp, quyến rũ trong mắt du khách.

Nước thải chưa qua xử lý vẫn đổ thẳng ra biển nhiều năm nay gây ô nhiễm môi trường.
Nước thải chưa qua xử lý vẫn đổ thẳng ra biển nhiều năm nay gây ô nhiễm môi trường.

Nước bẩn hòa vào các bãi tắm

Cống thoát nước bên cạnh bãi tắm Mân Thái (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) mấy ngày mưa nước chảy xối xả, đổ thẳng ra biển. Mặc dù đây là cống thu gom nước mưa nhưng khi lại gần rất dễ nhận thấy nguồn nước đen, thỉnh thoảng lại bốc mùi hôi thối.

“Mùa mưa còn đỡ mùi vì nước nhiều nên bị loãng, còn vào mùa nắng nóng thì chịu không nổi, mùi hôi bốc lên nồng nặc”, ông Nguyễn Khanh, trú tổ 18, phường Mân Thái, cho biết. Điều đáng nói, khu vực này từng là bãi tắm công cộng của người dân địa phương.

“Tắm cạnh cống nước thải không chỉ hôi mà còn bị ngứa. Bãi tắm cũng vì thế mà ngày càng vắng khách”, ngư dân Trần Văn Mười, trú tổ 20 phường Mân Thái chia sẻ.

Theo thống kê, dọc tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp hiện có 18 cống thoát nước đổ thẳng ra biển. Mặc dù việc thu gom nước thải vẫn được triển khai nhưng thực tế, dòng nước đen, đục kèm theo mùi hôi vẫn chảy thẳng ra biển, hòa vào những bãi tắm công cộng.

“Du lịch bãi biển trở thành một thương hiệu gắn liền với sự phát triển của thành phố Đà Nẵng. Bãi biển Mỹ Khê cũng được cả thế giới biết đến bởi sự hấp dẫn, quyến rũ. Chúng ta phải trân trọng, giữ gìn thành quả này và muốn làm được điều đó thì phải khắc phục những hạn chế, yếu kém đơn giản, bình thường nhất”, cử tri Ngô Quang Lân (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), phản ánh.

Những đường ống thoát bên cạnh các bãi tắm Mân Thái, Phước Mỹ, Mỹ An, Mỹ Khê… tồn tại từ nhiều năm qua đã tạo nên những vệt nước đen, chảy hòa lẫn vào nước biển. Cứ sau một cơn mưa lớn, dải cát dài chạy dọc bãi biển lại bị xé toang bởi hàng chục dòng nước đen kèm theo mùi hôi thối. Những hình ảnh xấu này hoàn toàn không phù hợp mục tiêu tạo dựng môi trường sạch đẹp mà thành phố dày công xây dựng lâu nay.

Quy hoạch không còn phù hợp

Theo ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, tình trạng nước thải sinh hoạt vẫn đổ ra biển diễn ra nhiều năm nay, mặc dù đơn vị luôn chủ động khắc phục, xử lý. Hiện nay, hệ thống nước thải và nước mưa đều chảy chung một đường ống, trong đó nước thải được gom lại tại các giếng thu trước khi được bơm về trạm để xử lý. Tuy nhiên, việc giữ nguyên thể tích của các giếng thu là điều rất khó.

“Mỗi khi có mưa, nước mưa sẽ làm ngập các giếng thu và hòa chung nước thải tại đây để chảy ra biển. Ngoài ra, triều cường liên tục làm cho sóng biển dâng cao, mang cát vào bồi lấp các giếng thu và nước thải không còn chỗ để chứa nên bắt buộc phải chảy tràn”, ông Mã nói.

Trong những năm qua, mật độ dân số tăng cao cùng hệ thống nhà hàng, khách sạn mọc lên dày đặc khiến lượng nước thải tại hai quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà tăng cao, khoảng 25.000m3/ngày đêm. Điều này khiến hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại đây cũng trở nên quá tải. Một số trạm bơm đã được nâng công suất từ 5,9kW/h lên 11kW/h để giải quyết tình trạng này.

“Giải pháp hiệu quả nhất hiện nay đó là lắp đặt hệ thống van lật tại các cửa xả. Hệ thống này vừa ngăn mùi hôi thoát ra vừa ngăn triều cường mang cát vào lấp các giếng thu. Tuy nhiên, đến nay cũng chỉ mới có 3 trong số 18 cửa xả được lắp đặt hệ thống này”, ông Mã cho biết thêm.

Tuy vậy, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Theo ông Mã, việc bố trí, xây dựng cửa xả nước thải hướng ra biển không phù hợp quy hoạch, bảo đảm môi trường nhưng cách đây hơn chục năm lại hợp lý. Thời điểm đó, thành phố còn nhiều khó khăn và hệ thống thu gom nước thải được quy hoạch theo địa hình, lấy trục đường Ngô Quyền làm đỉnh, một nửa gom về khu vực sông Hàn, nửa còn lại chảy thẳng ra biển.

“Đến bây giờ, hệ thống này không còn hợp lý nữa, nhất là khi chúng ta đang cố gắng xây dựng thành phố môi trường và giữ sạch bãi biển bằng mọi cách. Thiết nghĩ, chúng ta nên nghiên cứu, xây dựng một hệ thống thu gom nước thải riêng cho tuyến biển thì mới giải quyết dứt điểm được tình trạng này”, ông Mã nói.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

.