Trên nội thành Đà Nẵng hiện có 18 hồ nước, tập trung ở các quận Thanh Khê, Cẩm Lệ, Hải Châu... Những năm qua, chính quyền các cấp đã triển khai nhiều giải pháp, biện pháp kỹ thuật để giải quyết vấn đề ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước.
Nhờ kiểm soát tốt nguồn nước đô thị chảy ra hồ, thời gian qua, hồ Vĩnh Trung trở nên trong xanh hơn. |
Những năm trước đây, do quy hoạch, thiết kế hệ thống nước thải đô thị chưa đảm bảo nên các hồ nước ô nhiễm nặng. Điển hình như hai hồ Thạc Gián và Vĩnh Trung (quận Thanh Khê). Năm 2002, chính quyền thành phố và quận đã đầu tư nạo vét bùn, vớt bèo và xây dựng hệ thống cống bao, đập tràn quanh hồ nhằm kiểm soát phần lớn nước thải đô thị chảy vào hồ.
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố cũng đã triển khai nhiều biện pháp giảm thải ô nhiễm như vớt bèo, tảo, rác; duy trì việc thả bèo tây có kiểm soát trong các khung tre.
UBND phường Thạc Gián, Vĩnh Trung, Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Thanh Khê tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về vệ sinh môi trường, thực hiện phong trào “Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp”, thu gom chất thải rắn, cỏ dại… quanh khu vực hồ. Nhờ vậy, đến nay, hai hồ Vĩnh Trung và Thạc Gián đã được giải quyết căn bản vấn đề ô nhiễm.
Cùng với 2 hồ Vĩnh Trung và Thạc Gián, trên địa bàn quận Thanh Khê hiện có các hồ Công viên 29-3, Phần Lăng cũng được thành phố giao cho Công ty Thoát nước và xử lý nước thải quản lý. Các hồ còn lại như Xuân Hòa A, hồ 2ha do quận quản lý.
Ông Phan Quang Khường, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường quận Thanh Khê cho biết, để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường nước hồ cũng như vệ sinh môi trường, thời gian qua, quận đã tuyên truyền đến toàn thể nhân dân, doanh nghiệp nâng cao công tác bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp cam kết có biện pháp bảo vệ nguồn nước, không để nước thải chưa qua xử lý thải ra hồ; đồng thời có các chế tài xử phạt mạnh để răn đe các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong điều kiện khí hậu nắng nóng khô hạn và mưa lớn kéo dài, trong tương lai, mức độ ô nhiễm tại các hồ sẽ có xu thế tăng dần, nếu không có biện pháp quản lý phù hợp. Nghiên cứu của TS. Trần Văn Quang, khoa Môi trường thuộc Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đưa ra hai giải pháp cụ thể.
Thứ nhất là kiểm soát ô nhiễm do các nguồn ô nhiễm từ bên ngoài bằng công trình đất ướt nhân tạo. Theo đó, nước thải trước khi cho chảy vào hồ được thu gom và cho chảy qua các lớp vật liệu lọc (đá dăm và cát) có trồng cây, khi chuyển động qua các lớp vật liệu, các chất lơ lửng sẽ được giữ lại và chuyển hóa do các vi sinh vật có sẵn trong lớp vật liệu…
Thứ hai là phục hồi và bảo vệ nguồn nước bằng công nghệ đảo nổi với thảm thực vật. Đây là dạng công nghệ kết hợp giữa đất ướt và hồ sinh vật với quần thể thực vật ưa nước được cố định và phát triển trên bề mặt các lớp vật liệu nổi như xơ dừa hoặc các loại nhựa phế liệu có tỷ trọng thấp tương tự như công nghệ đất ướt, hạ rễ cây bên dưới đảo nổi cung cấp một diện tích bề mặt lớn cho sự dính bám và tăng trưởng màng vi sinh vật tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển hóa các chất hữu cơ.
Theo đó, các vi sinh vật, phù phiêu thực vật và thực vật cỡ lớn hấp thụ và chuyển hóa các chất ô nhiễm vào chuỗi dinh dưỡng, trở thành thức ăn cho các động vật phiêu sinh, ấu trùng và cá.
Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Đà Nẵng cho biết, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho các hồ đô thị, thời gian qua, công ty đã dọn dẹp vệ sinh xung quanh hồ, tiến hành các biện pháp khử mùi hôi tại các hồ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; đặc biệt là việc thả bè thủy sinh, thủy trúc nhằm tạo cảnh quan, xử lý ô nhiễm nguồn nước tại một số hồ như Đò Xu, Công viên 29-3, Phần Lăng, Vĩnh Trung, Thạc Gián... Vì vậy, đến nay, một số hồ do công ty quản lý cơ bản có sự chuyển biến, giảm ô nhiễm.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ