Ông Nguyễn Văn Mỹ (tổ 152, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) trồng 1.500 chậu cúc và 300 chậu ly ly trong khu đất ở góc đường 30 tháng 4 và Nguyễn Hữu Thọ. Cuối tháng 11 Âm lịch, mỗi ngày ông thuê hàng chục sinh viên nhặt búp, với giá 100.000 đồng/ngày công.
Nét mặt đầy vẻ lo âu, ông Mỹ bộc bạch, sau cơn bão số 11, ông phải trồng lại toàn bộ, tốn đến mấy chục triệu đồng. Khi hoa tới kỳ ra nụ lại gặp rét lạnh kéo dài làm cho cây hoa cứ “đứng mãi”. Không chỉ cúc, mà nhiều loại hoa khác như ly ly, vạn thọ cũng trong tình trạng tương tự. Như bao người trồng hoa nơi đây, ông Mỹ đã áp dụng nhiều kỹ thuật để thúc cho hoa nở nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn…
Anh Phạm Châu tưới hoa ly ly trồng trong nhà lưới. |
Ở phường Hòa Cường Nam, các khu đất trống dọc đường Lê Thanh Nghị và một số tuyến đường khác đều được bà con nông dân khai thác để trồng hoa, cây cảnh, vừa bán vào dịp Tết Nguyên đán, vừa bán vào các ngày rằm, mồng một hằng tháng. Ông Đỗ Thôi cho biết, vụ Tết năm ngoái ông trồng 2.000 chậu cúc nhưng bán không hết, do vậy, năm nay ông chỉ trồng 1.000 chậu.
Đến vùng đất trồng hoa thuộc Khu dân cư số 3 phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, chúng tôi cũng bắt gặp nhiều nông dân thờ thẫn trong nỗi lo hoa nở chậm. Ông Phạm Văn Hiến trồng 800 chậu cúc, 200 chậu ly ly, vạn thọ và cũng đã bỏ ra khá nhiều tiền để thuê người nhặt búp. Theo ông Hiến, rét lạnh kéo dài không chỉ làm hoa nở chậm mà còn tạo điều kiện để sâu rầy, nấm lá phát triển!
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, nghề trồng hoa đầy rủi ro, bất trắc. Hễ cuối tháng 11 Âm lịch mà cây hoa cúc còn xanh rờn thì người trồng hoa cũng xanh cả mặt, ngược lại, mới giữa tháng Chạp mà hoa cúc đã nở vàng thì người trồng cũng vàng cả mắt! Đó là chưa kể đến khi hoa nở đúng Tết nhưng cung vượt cầu, đâu đâu cũng tràn ngập hoa tươi, dù hạ giá cũng không bán hết, mà Tết Quý Tỵ 2013 là một ví dụ.
Toàn phường Hòa Cường Bắc hiện có 72 hộ trồng hoa với tổng diện tích hơn 11 héc-ta. Những nông dân này từ bao đời mưu sinh bằng nghề trồng hoa, cây cảnh và theo tiến trình đô thị hóa, họ không còn đất canh tác. Được Hội Nông dân phường và các cơ quan chức năng hỗ trợ, bà con đã tận dụng trồng hoa tại các khu đất chưa xây dựng công trình. Nhiều người còn đến liên hệ thuê đất nông nghiệp ở các địa phương khác để trồng hoa với các quy mô khác nhau. Nổi bật nhất là bà Trần Thị Thu Thủy (tổ 97) thuê tổng cộng 27.000m2 đất để trồng hoa, đồng thời mở các đại lý kinh doanh hoa tươi ở Đà Nẵng và các tỉnh phụ cận. Vừa sản xuất, vừa kinh doanh hoa, bà Thủy đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động và việc làm thời vụ cho hàng chục người khác. Bà Thủy còn đề nghị lãnh đạo thành phố quy hoạch một khu cho thuê đất trồng hoa và mong muốn được cung cấp hoa cho công trình Đường Hoa Xuân ở Đà Nẵng hằng năm.
Để chuẩn bị cho vụ hoa Tết năm nay, anh Phạm Châu (tổ 122, phường Hòa Cường Nam) đầu tư hơn 50 triệu đồng làm khu nhà lưới rộng 250m2 trên bãi đất trống gần chợ đầu mối Hòa Cường. Trong nhà lưới này, anh Châu lắp đặt đồng bộ hệ thống tưới nước bằng vòi phun và trồng 6.000 chậu hoa ly ly. Anh đã nhiều lần đến Đà Lạt học cách trồng ly ly và đặt mua giống hoa cao cấp này với giá 20.000 đồng/củ. Trong nhà lưới, hàng ngàn chậu hoa, chậu nào chậu nấy đều tăm tắp, xanh tươi mơn mởn. Anh Châu cho biết, kể từ khi trồng, hoa phát triển rất đều, ít sâu bệnh, khi trời nắng, mái lưới hạn chế được một phần nhiệt độ, còn khi trời mưa chỉ có khoảng 40% lượng mưa rơi vào bên trong, nhưng sau khi lọt qua mái lưới thì tạo nên những tia nước như phun sương, không làm hư hoa hoặc lở luống. “Nhờ điều chỉnh được nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm, nên trồng hoa trong nhà lưới thuận tiện để “canh” cho hoa nở đúng Tết”, anh Châu chia sẻ.
Nghề trồng hoa của nông dân đô thị Đà Nẵng tuy nhọc nhằn nhưng cũng cho thu nhập đáng kể, tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của bà con lúc này là thiếu mặt bằng để sản xuất.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM